Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đừng làm hỏng hoa hậu

18/12/2020 14:47

Hội chứng “fan cuồng” không làm tăng giá trị cho hoa hậu, có khi ngược lại, một khi người đẹp bị áp lực quá mức bủa vây.

Tôi có hai người bạn, họ thân thiết lắm. Hôm chung kết Hoa hậu 2020, hai ông thức trọn cùng cái đẹp đến tận màn, cảnh cuối cùng. Ông A tâm đắc: Khen cho con mắt tinh đời, hoa hậu thế mới xứng là hoa hậu chứ! Ông B thì quả quyết: Cô á hậu kia mới mười phân vẹn mười, mới xứng là hoa hậu! Ban giám khảo quả là thiếu công tâm!

Đừng làm hỏng hoa hậu
Đỗ Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô trường Đại học Kinh tế quốc dân 

Vì không có người thứ ba để có thể biểu quyết theo nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”, nên mỗi ông vẫn giữ chính kiến của mình. Thành ra họ giận nhau, cả tuần không mời gọi nhau cà phê cà pháo. Hôm qua tôi lại thấy hai ông nhẩn nha chơi cờ và say sưa luận bàn, từ chuyện hậu bầu cử tổng thống ở Mỹ đến chuyện mặt hàng pháo hoa năm nay có sốt giá hay không.

Giữa mùa dịch dã liên miên, lại thiên tai thảm họa liên tiếp, kinh tế có phần sụt giảm, báo Tiền Phong tổ chức được cuộc thi chọn hoa hậu thành công, cũng là được, rất được.

Thiếu cuộc vui, thì đây là cuộc vui, mà cuộc vui này mang tầm cỡ quốc gia! Thiếu sự kiện, thì đây là sự kiện, sự kiện có tầm vóc toàn quốc, lan tỏa khắp xã hội, vượt ra ngoài dải đất hình chữ S. Những cô gái được bình chọn, vinh danh, có cơ hội gia tăng giá trị, đổi đời. Có thêm cái đẹp để dẹp bớt cái xấu. Có thêm cái hoàn thiện, hoàn mỹ để bổ trợ, định hướng cho cái khiếm khuyết, lệch lạc.

Một bộ phận công chúng được những giây phút “vỡ òa”, “thăng hoa”, “hồi hộp”… Để rồi cuộc sống thêm thi vị, bớt đi cái nhàm chán. Để rồi lĩnh vực kinh tế dịch vụ giải trí phục hồi tăng trưởng thoáng chốc, kéo theo đó là nền kinh tế ấm lên ít nhiều. Và, cũng là để, cho những người, như hai ông bạn tôi có “vấn đề” để nghẹt thở, bàn luận, tranh cãi, giận dỗi và lại xí xóa, làm lành!

Bao cuộc thi hoa hậu, cái kết là sản sinh ra hoa hậu, á hậu và những danh hiệu theo mùa khác, cứ thế, rồi qua đi.

Nhưng hoa hậu 2020 này lại không “cứ thế, rồi qua đi”!

Không khéo sẽ tạo nên vết xước cho viên ngọc

Có vẻ như Đỗ Thị Hà, từ cô sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân, xuất thân vùng quê xứ Thanh, sau đêm được đặt lên đầu cái vương miện hoa hậu danh giá, đã như vụt sáng? Lượng chưa đổi mà chất đã đổi. Cô thành biểu tượng, thành thương hiệu, thành giá trị, thành văn hóa? Cô mang vinh quang, ánh sáng, niềm tự hào cho hết thảy, gia đình, dòng họ, quê hương, nhà trường, xứ sở?

Đừng làm hỏng hoa hậu
Người dân Thanh Hóa cầm băng rôn ven đường chờ đón Đỗ Thị Hà về thăm quê 

Chắc chắn Đỗ Thị Hà không nghĩ đến những điều diệu vợi và to tát này, hoặc chưa kịp nghĩ. Nhưng một bộ phận công chúng và nhiều ai đó đã nghĩ hộ cô. Thành ra mới có những màn đón rước, tôn vinh rình rang và những cảnh ăn theo hoa hậu có phần dị dị!

Dù “trúng” danh hiệu hoa hậu, Đỗ Thị Hà vẫn đang là cô sinh viên năm thứ hai. Sau khoảng thời gian vừa đủ để những ai mến mộ cái đẹp “vỡ òa”, “hồi hộp”, “thăng hoa”, “choáng ngợp” cùng hoa hậu, thì cũng là lúc nên trở lại trạng thái “bình thường mới”. Hoa hậu còn phải học bài, thi cử, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, để có đủ bản lĩnh, tự tin, sau đó mới làm bổn phận của người đẹp với công chúng.

Người ta nói hoa hậu Đỗ Thị Hà còn khiếm khuyết, như viên ngọc còn thô ráp, chưa kịp gia công, trau chuốt. Họ còn gọi cô là hoa hậu của tương lai! Thế nhưng, với cách tung hô, đón rước, tôn vinh, ăn theo thương hiệu hoa hậu không giống ai, không khéo sẽ tạo nên vết xước vết mờ cho viên ngọc quý. Hội chứng “fan cuồng” không làm tăng giá trị cho hoa hậu, có khi ngược lại, một khi người đẹp bị áp lực quá mức bủa vây.

Chỉ là cuộc vui

Nói gì thì nói, cuộc thi hoa hậu ở nước ta là trò chơi - trò chơi  tìm kiếm, lựa chọn, thi thố người đẹp. Hoa hậu là trời cho. Trong trăm, ngàn người đẹp, chỉ một người được mang vương miện danh giá: Hoa hậu. Nhưng như thế không có nghĩa họ đẹp nhất nước; càng không phải đất nước này không còn ai đẹp hơn.

Đừng làm hỏng hoa hậu
Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương trao giấy khen cho hoa hậu 2020

Danh hiệu hoa hậu mang lại tiền bạc, công danh, thay đổi thân phận cho cá nhân và gia đình họ, đó là một thực tế. Nhưng nói danh hiệu hoa hậu mang lại vinh quang, niềm tự hào cho xứ sở, đất nước, thì e không phải. Các trường học, nơi hoa hậu từng học, xem hoa hậu như sản phẩm sáng tạo của mình, đem lại danh tiếng cho trường mình, e có sự vơ vào, và khiến người ta nghĩ khác về năng lực giáo dục, đào tạo thực chất của những trường này.

Nhìn vào cách tôn vinh, đón rước và những ngôn từ biểu cảm có cánh, cảm giác như đâu đó đang thiếu hụt niềm vui đích thực, niềm tự hào xứng giá và những giá trị đáng đồng tiền bát gạo.

Cuộc thi hoa hậu 2020 do báo Tiền Phong tổ chức đã khép lại; người đẹp đã đăng quang, cuộc vui vào hồi mãn. Giờ là lúc mọi người hãy bình tâm trong trạng thái “bình thường mới”!

Uông Ngọc Dậu
Bạn đang đọc bài viết "Đừng làm hỏng hoa hậu" tại chuyên mục Giải trí.