Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lẩu cá thác lác nước dừa đón Tết ở miền Tây

08/02/2022 09:28

Chả cá thác lác được quết dai, ngấm vị ngọt thanh của nước dừa tươi, dậy mùi thơm hành ngò, ăn cùng khổ qua thái mỏng.

Với lợi thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, người miền Tây tận dụng nguồn nước để nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, trong đó cá thác lác cườm Hậu Giang là một trong những đặc sản hút khách nhất tỉnh. Loại cá này có thịt ngọt, thơm và dai, thích hợp chế biến nhiều món ăn ngon cho ngày Tết như cuộn bắp cải hấp, nấu lẩu chua, xào rau củ, nấu bún, kho tương, sốt cà chua... Chả cá được sơ chế, bày bán nhiều ở khu vực chợ Vị Thanh, chợ Nàng Mau, giá từ 150.000 đồng/kg.

Có đặc sản thơm ngon, người Hậu Giang thường dùng chả nấu lẩu đãi khách vào dịp Tết, trong đó chả cá nấu cùng khổ qua được thực khách ấn tượng. Món ăn có nguyên liệu và cách làm đơn giản nhưng gây nhung nhớ về hương vị. Thịt cá dai mềm, đậm đà, nước dùng ngọt thanh, thơm nhẹ khổ qua và dậy mùi hành ngò. Người miền Tây cũng quan niệm ăn khổ qua vào đầu năm sẽ giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón năm mới tốt lành hạnh phúc.


1 kg chả cá có thể chế biến thành 2 món lẩu và chả chiên cuốn bánh tráng, rau sống. Ảnh: Huỳnh Nhi

Cá lác thác khi mua về đã được nạo thịt sẵn có màu hồng nhạt, người nấu cho thêm ít muối, đường, hạt nêm, tiêu xay và tỏi băm nhuyễn phi vàng để món ăn dậy mùi thơm, giảm độ tanh của cá, dùng tay quết thịt thật đều cho ngấm gia vị.

Thịt cá thác lác có đặc điểm càng quết lâu thì thịt càng dai, càng ngon, không bị bở khi nhúng lẩu. Người miền Tây thường nặn chả thành từng viên nhỏ vừa ăn, hình giống trái cà na, có thể thêm chút dầu ăn để chả không bị dính tay, tạo hình dễ dàng hơn. Chả nặn viên xong không hấp chín mà để tươi, bày với khổ qua, hành cọng gọn gàng, ăn tới đâu, bỏ chả và khổ qua nấu chín tới đó.

Khổ qua được sơ chế rửa sạch rồi bào hoặc cắt thật mỏng, ướp nước đá để giữ độ giòn tươi và màu xanh đẹp mắt. Nước lẩu chỉ dùng dừa cứng cạy (dừa không quá già, quá non, cùi dừa bắt đầu cứng) chặt lấy nước ngọt đậm nhưng thanh vị, nếu chọn trái non thì nước dùng có vị chua và nhạt, nồi lẩu mất ngon, không tròn vị.

Nước dừa có thể để nguyên hoặc pha thêm với nước lọc sao cho vừa khẩu vị người dùng, cho thêm hành ngò, tỏi phi. Đợi nước lẩu sôi, thực khách cho chả cá, khổ qua đậy nắp kín. Chả chín chuyển màu trắng, nổi đều lên mặt lẩu là có thể dùng được.


Món lẩu đơn giản thanh ngọt, chống ngán trong ngày Tết. Ảnh: Huỳnh Nhi

Món ăn không quá cầu kỳ, không nhiều thịt mỡ và mang vị ngọt thanh, có thể dùng trong các bữa cơm hàng ngày hoặc tiệc đãi khách. Đợi lẩu sôi, thực khách gắp miếng bún, chan nước dùng nóng, hít hà mùi thơm dịu từ hành ngò và thêm chả, khổ qua vào chén rồi từ từ thưởng thức. Sợi bún mềm hòa trong nước dùng nóng, ngọt vị, ăn cùng miếng chả cá dai đậm đà, xen kẽ vị cay nhẹ của tiêu. Nếu thích, có thể pha thêm chén nước mắm mặn, dằm thêm ớt cay cay, chấm chả cá dai ngọt là tròn vị cho mâm cơm ngày Tết.

Huỳnh Nhi
Bạn đang đọc bài viết "Lẩu cá thác lác nước dừa đón Tết ở miền Tây" tại chuyên mục Đời sống.