Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiều nghi vấn về "sự trở lại" của cổ phiếu TLD

02/10/2020 14:52

Dù thị giá đã tăng hơn 3,5 lần so với thời điểm đầu năm 2020, song giới đầu tư vẫn còn quá nhiều nghi vấn về động lực tăng trưởng của cổ phiếu TLD ở thời điểm hiện tại.

Nhìn vào kết quả kinh doanh sau nửa đầu năm 2020, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (HOSE: TLD) đã ghi nhận doanh thu hợp nhất 212,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 8,03 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,2% và 96,3% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên điều này không hẳn đã tạo ra tâm lý an tâm cho giới đầu tư khi trong ba mảng kinh doanh, hoạt động thương mại dù là động lực tăng trưởng doanh thu (với mức tăng 37,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2020 và đóng góp 55% vào cấu trúc doanh thu) nhưng chỉ mang về 112 triệu đồng lợi nhuận gộp.

Thực tế, lợi nhuận nửa đầu năm của Công ty được kéo lại chủ yếu nhờ mảng bán thành phẩm sản xuất. Biên lợi nhuận gộp của mảng này đã tăng vọt lên 27% từ mức 5,5% cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, mảng hoạt động này cũng có vấn đề khi doanh thu giảm 31,5% so với cùng kỳ, và chỉ đạt 40,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, mảng xây dựng đạt doanh thu 37,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 3,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,9 lần và 3,9 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh việc các mảng kinh doanh chính đang cho thấy những khó khăn và nhiều biến động khó lường, cấu trúc tài chính, dòng tiền của Công ty cũng có những điểm đáng e ngại.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, dòng tiền kinh doanh của Công ty kém khả quan hơn khi âm gần 43,6 tỷ đồng do các khoản phải thu gia tăng, tồn kho ở mức cao trong khi khoản chiếm dụng vốn thông qua các khoản phải trả lại giảm mạnh. Nợ vay tăng lên 109,1 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 nguồn vốn tính đến cuối quý II/2020.

Dù báo lãi tốt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là yếu tố tích cực tại TLD song với quy mô lợi nhuận khiêm tốn cũng như những vấn đề còn tồn tại quanh bức tranh tài chính, kinh doanh, sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh khó có thể là lý do thuyết phục cho đà tăng của giá cổ phiếu.

Việc Công ty được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Song Phượng (có diện tích 5,8 ha) trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội, với tổng mức đầu tư 164,5 tỷ đồng cũng khó có thể là nguyên nhân bởi lẽ dự án đã được phê duyệt từ tháng 10/2019 và tại thời điểm đó, thị giá cổ phiếu TLD hầu như không phản ứng trước thông tin này

Diễn biến đáng chú ý nhất là Công ty tiến hành chào bán 19,36 cổ phiếu trong đó gần 9,36 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu và 10 triệu cổ phiếu bán cho nhà đầu tư bên ngoài, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động vốn cho dự án Nhà máy ván ép tại Quảng Bình.

Tuy vậy, đây không phải là dự án đầu tư mới, mà đã được ĐHCĐ bất thường của Công ty thông qua từ cuối tháng 12/2018 cùng với kế hoạch huy động vốn (vừa hoàn thành).

Đầu năm 2017, trước khi lên niêm yết, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 95 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, quy mô tài sản, nguồn vốn tăng mạnh nhưng lợi nhuận năm 2018 tăng chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2019.

Diễn biến này đã tạo sức ép đáng kể lên các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu TLD đã giảm từ mức đỉnh hơn 20.000 đồng/cổ phiếu sau khi niêm yết về chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu cho đến đầu năm nay.

Bước sang phiên giao dịch sáng ngày 22/9/2020, sau khi neo tại mức 16.300 đồng - kết phiên trước đó, cổ phiếu TLD quay đầu giảm nhẹ 0,6% còn 16.200 đồng lúc 11h25 (gấp gần 3,6 lần giá tại thời điểm đầu năm) cùng thanh khoản đạt hơn 160.000 đơn vị.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều nghi vấn về "sự trở lại" của cổ phiếu TLD" tại chuyên mục Thị trường.