Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xăng dầu "nóng rẫy", vì đâu, tại ai, làm sao cho "nguội"?

17/02/2022 12:10

Những tưởng sau ngày 11/2, khi giá xăng RON 95 lao lên mốc kỷ lục hơn 25.000 đồng/lít thì thị trường xăng dầu sẽ "nguội" bớt. Nhưng không, doanh nghiệp vẫn bán nhỏ giọt, kêu trời.


Để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương (Ảnh: Mạnh Quân).

Điều hành bất cập, khó khăn còn tiếp diễn

Giá xăng RON 95 đã vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít, cũng là mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Kỳ điều chỉnh lần này vào ngày 11/2, chậm 10 ngày so với bình thường do rơi vào kỳ nghỉ Tết. Do đó, giá xăng dầu bị "bỏ lại" trước đà tăng mạnh của thế giới.

Trước kỳ điều hành ngày 11/2, tại không ít tỉnh thành trên cả nước, tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng xuất hiện. Phía Bộ Công Thương cho rằng tình hình nêu trên được cải thiện sau đợt tăng giá ngày 11/2. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh, sau phiên điều chỉnh giá này, tình trạng nguồn cung đến nay vẫn tiếp tục hạn chế. Doanh nghiệp khóc ròng vì... càng bán càng lỗ.

Tối muộn 16/2, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) than với Dân trí: "Doanh nghiệp khó khăn lắm. Hoa hồng bằng 0 đồng, lỗ tiền vận chuyển, chi phí bán hàng, mặt bằng, lãi vay… Cứ đà này thì doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải đóng cửa mất".

Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội bày tỏ chưa cần tính đến hôm nay, ngay hôm giá tăng lên kỷ lục (ngày 11/2- PV), doanh nghiệp vẫn lỗ. "Điều hành xăng dầu hiện bất cập lắm. Nhiều dự báo giá dầu thế giới còn tăng lên tới 120 USD/thùng, thậm chí còn có dự báo sốc lên tới 150 USD/thùng. Cứ với đà này, tình trạng bất ổn của thị trường trong nước còn kéo dài, lặp đi lặp lại", vị này chia sẻ.


Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua, đưa mặt hàng này lên cao nhất 8 năm (Ảnh: N.M)

Kết luận tại cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này cần phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ ban hành các công cụ, cơ chế chính sách quản lý pháp luật và giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.

Xăng dầu nhạy cảm, nếu không điều hành linh hoạt rất dễ gặp vấn đề

Trao đổi với Dân trí, TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế - cho rằng xăng dầu vốn là mặt hàng nhạy cảm. Cơ quan quản lý Nhà nước nếu không điều hành linh hoạt thì dễ gặp vấn đề.

Theo ông Bình, vừa qua, thị trường có rất nhiều yếu tố tác động, từ việc giá thế giới tăng quá cao đến việc nguồn cung trong nước trục trặc khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất… Khi các yếu tố trên xuất hiện, nếu việc điều hành kém chủ động thì sẽ góp phần gây ra những gián đoạn. Còn nếu điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì theo ông cũng hạn chế được tình trạng găm hàng, chờ tăng giá mới bán.

Bình luận về những bất cập trong nguồn cung xăng dầu thời gian qua, chuyên gia Lê Duy Bình cho biết, việc cửa hàng xăng dầu đóng cửa có 2 lý do. Một là doanh nghiệp không có hàng. Hai là doanh nghiệp găm hàng lại trong bối cảnh giá bị chênh lệch nhiều so với thế giới. Lúc đó, vai trò điều tiết, quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là rất lớn.

Nói với Dân trí, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, ngay đầu năm nay thị trường xăng dầu thế giới có những biến động. Thêm nữa, nguồn cung trong nước cũng gặp trục trặc khi Nghi Sơn giảm công suất. Điều này dẫn đến những khó khăn trong điều hành. Tuy nhiên, nói như vậy song theo ông Cường, những bất cập bộc lộ cũng cho thấy chính sách điều hành còn "hơi cứng", chưa linh hoạt.

Còn giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này chỉ ra, bất cập sâu xa nằm ở quỹ bình ổn. Ông đặt câu hỏi: Ai có trách nhiệm bình ổn giá? Doanh nghiệp hay Nhà nước, người dân? Nếu để người dân tự bỏ tiền ra bình ổn, lúc quỹ âm, doanh nghiệp tự ứng vốn để bình ổn như hiện nay thì bất cập sẽ còn lặp đi lặp lại.

Theo ông, ở thời điểm sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, phía Bộ Công Thương cho biết tiếp tục giữ quỹ này để điều tiết thị trường xăng dầu. "Khi giá xăng giảm, quỹ bình ổn dương thì mọi thứ trơn tru, khi quỹ âm là sẽ bộc lộ ra rất nhiều vấn đề. Với xu hướng tăng như hiện nay thì có bình ổn bằng quỹ được đâu", vị giám đốc doanh nghiệp đặt vấn đề.

Làm thế nào?

Chuyên gia Lê Duy Bình cho rằng, trong bối cảnh "căng" như hiện nay thì việc điều chỉnh phù hợp, sát với thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc này cần minh bạch, tức là tăng thì tăng, giảm thì giảm ngay. Việc thả nổi giá xăng dầu hiện nay như các nước trên thế giới, theo ông Bình, chưa nên đề cập tới. Song cơ quan điều hành cũng cần có kiến nghị, giải pháp để gỡ thị trường hiện nay.

Theo ông Bình, rất nhiều dự báo giá xăng dầu, năng lượng vẫn tiếp tục xu hướng đi lên trong bối cảnh nhu cầu tăng cùng như căng thẳng địa chính trị. Nếu công tác điều hành bất cập thì những rối ren trên thị trường còn lặp đi lặp lại với nhiều phức tạp. Nếu bắt doanh nghiệp lỗ kéo dài thì thị trường cũng thiếu bền vững.

Góp ý thêm, ông Hoàng Văn Cường thì lưu ý liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần có ngay giải pháp tổng thể. Trong đó, Bộ Công Thương cần đảm bảo nguồn cung bằng cách nâng công suất nhà máy trong nước lên. Khi giá thế giới đang lên mà cung trong nước lại giảm là bất cập. Còn Bộ Tài chính cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. 2 bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.

"Phải tính toán làm sao để trong những lúc căng thẳng thế này, lợi ích của doanh nghiệp giảm đi nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lỗ kéo dài. Nếu lỗ triền miên họ đóng cửa, làm sao để thông suốt được nguồn cung? Cũng không thể ép họ để họ phải mọi biện pháp lảng tránh, trốn tránh kinh doanh", ông Cường nêu quan điểm.

Còn trên quan điểm của vị giám đốc nhiều kinh nghiệm kể trên, thay vì để quỹ bình ổn, Nhà nước nên bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu thông qua công cụ thuế và các chính sách khác. Không kiến nghị thả nổi mặt hàng này song theo doanh nghiệp, cơ quan điều hành nên quản lý theo định mức cho doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại.

Theo đó, giải pháp được đưa ra là nên có định mức nhất định. Doanh nghiệp lỗ bao nhiêu phần trăm (được quy định rõ ràng) sẽ tiến hành điều chỉnh tăng giá, không cần chờ đến 10 ngày. Ngược lại, doanh nghiệp lãi đến một định mức nhất định sẽ tiến hành điều chỉnh giảm giá, không cần chờ tới 10 ngày. Việc thực hiện linh hoạt, hài hòa chính sách giá, theo vị này, sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp, người dân.

Vài chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng từng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu. Điều này cũng khiến việc điều hành khó linh hoạt, dẫn tới nguồn hàng khan hiếm khi có trục trặc từ nguồn cung trong nước.

Cụ thể, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày; doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô 30-60 ngày. Tuy nhiên, tại Nghị định 95 vừa có hiệu lực từ đầu năm nay, mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút ngắn xuống 20 ngày.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam áp dụng cơ chế điều hành giá theo quy trình 10 ngày một lần. Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp đều đã biết tình hình giá cả thế giới. Vì thế, nếu biến động có xu hướng tăng lên thì dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp găm hàng lại, đến chu kỳ công bố giá tới mới bán. Chính những điều này tạo ra tác động trong điều hành.


 

Nguyễn Mạnh
Bạn đang đọc bài viết "Xăng dầu "nóng rẫy", vì đâu, tại ai, làm sao cho "nguội"?" tại chuyên mục Kinh doanh.