Tuần Việt Nam giới thiệu những nhận định của TS Võ Trí Thành về giải pháp ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với đại dịch Covid-19.
Năm 2020 chuẩn bị khép lại, nổi bật là đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa toàn cầu, làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội con người trong năm qua. Cùng với sự lây lan dịch bệnh, tác động kinh tế của đại dịch là hết sức nghiêm trọng. Kinh tế thế giới, vốn đã giảm tốc từ năm 2019, suy thoái nặng nề năm 2020.
Nhiều đánh giá cho thấy GDP toàn cầu 2020 giảm tới khoảng 4-5%. Thất nghiệp, thu hẹp giờ làm và giảm thu nhập đeo bám hàng trăm triệu lao động. Nhiều nước đã phải dùng các gói hỗ trợ kinh tế chưa từng có tiền lệ, cả về qui mô, diện bao phủ, biện pháp, và trao quyền. Phía trước, rủi ro, bất định còn nhiều.
Năm 2021, kinh tế thế giới được dự báo có mức tăng trưởng khá cao, có thể trên 5%, song thách thức và khó khăn vẫn rất lớn.
Thảm họa Covid-19 là biến cố không ai mong đợi. Song, đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và doanh nghiệp. Ảnh: VietNamNet |
Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, đặc biệt với nhiều đối tác đầu tư, thương mại, du lịch chủ chốt (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ…) đang hứng chịu dịch bệnh rất nặng nề, tăng trưởng giảm sâu. Bản thân Việt Nam cũng phải gồng mình chống dịch, chấp nhận “cách ly địa giới” và “giãn cách xã hội” ở những thời điểm dịch bùng phát (tháng 4 trên phạm vi cả nước, cuối tháng 7 và 8 ở một số tỉnh thành).
Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm nay, mức thấp nhất trong suốt tiến trình Đổi mới.
Do dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng dự báo có thể chỉ đạt 2-3% cho cả năm nay. Sáu tháng đẩu năm, gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực; con số đó trong tháng 8 là khoảng 5 triệu. Dịch Covid-19 tác động xấu tới gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế như du lịch, lưu trú ăn uống, giải trí, vận tải, logistic, phân phối, công nghiệp chế tác, công nghiệp khai khoáng, và cả nông nghiệp.
Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì “năng lượng” để khi cơn bão dịch đi qua, chúng ta có thể lại vươn lên mạnh mẽ.
Cũng giống như nhiều nước, Việt Nam lựa chọn cách kết hợp phòng chống dịch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, cùng với đó là nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động đảm bảo đảm an sinh xã hội.
Phản ứng chính sách của Chính phủ khá kịp thời
Trong điều kiện nguồn lực không dư giả, ngân sách còn eo hẹp, nhưng chính sách hỗ trợ lần thứ nhất của Chính phủ về cơ bản vẫn đảm bảo được 3 mục tiêu: thiết thực; cách thức hỗ trợ như giãn hoãn khoanh nợ, giãn hoàn thuế, cắt giảm nhiều loại phí; trao tiền mặt cho khoảng 20 triệu người cơ bản thuộc các nhóm dễ tổn thương là chưa từng có tiền lệ song vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô.
Tham khảo thêm
Cùng với thúc đẩy giải ngân đầu tư công (khoảng 30 tỷ USD), Chính phủ vẫn còn ít nhiều dư địa chính sách và nguồn lực để ứng phó với tình hình diễn biến dịch có thể kéo dài, kinh tế tiếp tục còn nhiều khó khăn cũng như sự phát triển thời hậu dịch.
Như đã nêu, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ kinh tế lần thứ nhất khá kịp thời, ngay trong tháng 3-4. Tuy nhiên, đáng tiếc là việc thực thi chính sách nói chung còn chậm; sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả là tác động của gói hỗ trợ chưa như mong đợi, còn nhiều hạn chế.
Chính sách kích thích kinh tế mới
Đến tháng 9, theo điều tra diện rộng của Tổng cục Thống kê, chỉ chưa tới 18% doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ. Bối cảnh khó khăn chung cộng việc dịch Covid-19 tái bùng phát càng cho thấy phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới (gói hỗ trợ lần thứ hai). Quan trọng nhất là cần đảm bảo thực thi nhanh, đúng và minh bạch các gói hỗ trợ này.
Bên cạnh nỗ lực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt “bão dịch” với qui mô đủ lớn (dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn), tính ít nhất cho cả năm 2021, gói hỗ trợ lần hai phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng phát triển (công nghệ, nhất là chuyển đổi số; kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới; sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư…).
Mục tiêu ở đây chính là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.
Trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Song dù như thế nào, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ là cách ứng phó với khủng hoảng mà còn là phục hồi và bứt phá khi dịch qua đi.
Thời điểm tư duy lại, nâng cấp quản trị
Thảm họa Covid-19 là biến cố không ai mong đợi. Song, đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và doanh nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã đương đầu thử thách, vượt qua khó khăn bằng ý chí, sự linh hoạt và sáng tạo như:
Cắt giảm chi phí là việc rất “truyền thống” nhiều doanh nghiệp tính toán và làm ngay, tùy theo nguồn lực của mỗi doanh nghiệp. Tính toán bước đi tiếp và việc chỉ giữ lại phần cốt yếu nhất (hoạt động, nhân sự) cũng có thể là việc “cực chẳng đã” nhưng là một lựa chọn. Ngay trong khó khăn, việc duy trì quan hệ hoặc tìm hiểu đối tác cũng là khía cạnh đáng lưu tâm.
Thời dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp được khuyến khích. Kinh tế số, không chỉ thương mại điện tử mà cả trong giáo dục, làm việc văn phòng… có cơ phát triển. Không ít doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ số.
Nhiều doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thị trường có nhu cầu cao hơn đối với các mặt hàng thiết yếu, dù tình hình có khó khăn đến mấy vẫn phải dùng hàng ngày. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh. Thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn… là những sản phẩm rõ nhất cho câu chuyện này. Sản phẩm bánh mì Thanh long của một doanh nghiệp còn cho thấy chất sáng tạo rất nhân văn, lại phù hợp đòi hỏi thị trường.
Do dịch bệnh diễn ra và khống chế khác nhau giữa các quốc gia, nên rất cần sự nhanh nhạy xử lý thông tin và tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện. Ví dụ, khi một thị trường khống chế được dịch, nới lỏng các biện pháp chống dịch, doanh nghiệp rất nên “nhắm tới/quay lại” để tranh thủ cơ hội này.
Tìm hiểu thông tin, tận dụng có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng là cách giúp vượt khó. Không nên chỉ chú ý đến chính sách uu đãi mà quên nhìn cả việc thúc đẩy đầu tư công, như vào kết cấu hạ tầng, để có thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia.
Quan trọng không kém là doanh nghiệp cần xem cú sốc đại dịch Covid-19 là cơ trong nguy để xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Có thể nói đây chính là thời điểm tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại gắn với việc nhận diện xu thế; định vị thị trường, đối tác; xác định cách thức chuyển đổi số; nâng cấp quản trị (cả quản trị rủi ro); sáng tạo sản phẩm; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động.
Dịch Covid-19 xảy ra khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đứng trước những xu thế và tư tưởng phát triển mới như lối sống, cách sống, cách phát triển bền vững và bao trùm, thế giới số, xã hội số, nền kinh tế số…
Ngay trong bão dịch, càng nhận ra những dầu hiệu của quá trình đó. Có cả cơ hội và sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Đó là việc chuyển đổi sản phẩm cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Phương thức kinh doanh cũng đổi mới, kinh tế số và thương mại điện tử lên ngôi. Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác, thị trường cũng có sự dịch chuyển đáng kể.
8 nỗ lực của doanh nghiệp
Trong một thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, doanh nghiệp cần có 8 nỗ lực sau:
Thứ nhất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA…) mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng”.
Thứ ba, chuyển động cùng cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là chuyển đổi số.
Thứ tư, học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.
Thứ năm, đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động.
Thứ sáu, xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhân văn.
Thứ bảy, đối thoại, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ tám, học và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.
Tóm lại, doanh nghiệp cần tái cấu trúc trên cơ sở: nhận ra xu thế; tận dụng lợi thế; đau đáu sáng tạo; kết nối khôn ngoan; quản trị rủi ro. Tin rằng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch.