Những cái chết thương tâm!
Vào ngày 10/1 vừa qua, tại xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xảy ra sự việc ngộ độc khí do sưởi than khiến một người chết, một người nguy kịch. Nạn nhân tử vong trong vụ việc đau lòng này là cháu Trần H.P. (SN 2006), học sinh Trường THCS Lê Hóa. Nữ sinh còn lại cũng đang rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu là Đinh T.T.H. (SN 2008).
Nguyên nhân chính khiến 2 nữ sinh THCS này ngộ độc khí là do sưởi than. Cụ thể trong lúc ngủ, vì thời tiết lạnh nên 2 học sinh là chị em họ này đã dùng than củi để trong phòng nhằm sưởi ấm.
Khi phát hiện sự việc, gia đình đã nhanh chóng đưa các em đi cấp cứu, tuy nhiên do ngộ độc khí quá nặng, một em đã tử vong, em còn lại được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu với tiên lượng xấu.
Đây không phải là vụ việc đau lòng duy nhất liên quan đến sưởi than xảy ra tại Quảng Bình. Cách đây không lâu, 2 cháu bé trong một gia đình tại huyện Bố Trạch cũng đã bị cướp đi mạng sống vì ngộ độc khí CO.
Cụ thể vào ngày 2/12/2020, do trời lạnh nên chị Trần Thị Thúy L. (SN 1989) trú thôn 3, xã Đồng Trạch đã đốt than để trong phòng ngủ để sưởi ấm cùng 3 đứa con là cháu Dương Thị Hồng T. (SN 2011), Dương Đức H. (SN 2016) và đứa con út mới một tháng tuổi.
Đến sáng hôm sau, người thân phát hiện 4 mẹ con nằm bất động trên giường mới đưa đi cấp cứu. Thật không may, cháu T. và H. đã tử vong. Chị L. và con út một tháng tuổi nguy kịch.
Không chỉ ngộ độc khí, việc sưởi than cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân nếu không cẩn thận. Cũng tại Quảng Bình, việc sưởi than cũng khiến một người phụ nữ 67 tuổi bị lửa bén vào quần áo dẫn đến bỏng nặng, dù được đưa đi cấp cứu nhưng vẫn không thể qua khỏi.
Từ những sự việc nêu trên có thể thấy sự nguy hiểm tiềm tàng trong việc sưởi than. Nếu không cẩn thận, thiếu hiểu biết trong việc sử dụng than sẽ có thể cướp đi sinh mạng của chính người dùng than.
Hiểm họa từ ngộ độc khí CO
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Lê Hồng Nhân, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết, ngạt than củi hay xảy ra vào mùa đông là vì mưa, lạnh các nhà đều đóng kín cửa, than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí và sinh ra khí cực độc là carbon monoxide (CO) rất nguy hiểm…
Khí độc CO là khí không màu, không mùi, không tan trong nước nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, nạn nhân cứ lịm dần. Mùa lạnh người sử dụng sưởi than trong phòng càng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng.
Việc ngộ độc khí CO là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí CO, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Ngộ độc quá nặng sẽ gây tử vong, còn những người sống được thì lại mất trí tuệ.
Càng ở phòng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó "bất thường" cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo người dân không nên sử dụng bếp than để sưởi vì nó sẽ cháy yếm khí, sinh khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của oxy, hít vào sẽ gây ngạt. Nạn nhân bị ngạt khí CO thường để lại di chứng thần kinh hoặc tâm thần. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải dùng than để sưởi thì cần ở những nơi thông thoáng tránh những khu vực kín khiến nguy cơ ngộ độc tăng cao.
Khi phát hiện người bị ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng cứu nạn nhân. Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi… mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí. Cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.