Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cẩn trọng khi chữa đau mắt đỏ bằng thuốc chứa corticoid

12/09/2023 11:37

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, phải theo chỉ định của bác sĩ.

Khuyến cáo được Sở đưa ra chiều 11/9, trong bối cảnh số ca đau mắt đỏ đang tăng. Một số bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo các chuyên gia Bệnh viện Mắt TP HCM, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin... Theo khảo sát của Phòng Nghiệp vụ Dược, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh tại thành phố hiện rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc, với khoảng 270.000 lọ levofloxacin, 15.000 hộp ofloxacin (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ), 20.000 lọ tobramycin (sẽ nhập về thêm 280.000 lọ)...

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie...). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Sở Y tế cho rằng một số quan điểm hiện nay cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Theo kết quả khảo sát mẫu bệnh phẩm bệnh nhân đau mắt đỏ của Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) công bố vài hôm trước, 86% mẫu bệnh phẩm đau mắt đỏ tại TP HCM là enterovirus, còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm 14%. Theo các chuyên gia, enterovirus gây viêm kết mạc có thể diễn biến nặng cấp tính. Adenovirus gây viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân enterovirus đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại Anh và nhiều nước châu Phi, châu Á giai đoạn 1969-1971. Năm 2014, nhóm virus này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng ba tháng.

Bệnh nhân đau mắt đỏ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có "cát", mắt khó chịu, đau nhẹ. Mắt đỏ, có ghèn, mí dính lại khi thức dậy, thường đỏ một mắt trước sau đó lan qua mắt thứ hai. Mí mắt sưng và chảy nước mắt. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có đau hạch trước tai, viêm họng, sốt nhẹ và mỏi mệt.

Bệnh đau mắt đỏ lây lan tương đối nhanh, đa số trường hợp bệnh tự hết sau 7-14 ngày. Trung gian truyền bệnh là nước mắt hoặc dịch hầu họng của người bệnh đau mắt đỏ có chứa virus. Nhìn nhau không lây đau mắt đỏ. Nếu có dấu hiệu bệnh nên đi thăm khám và tuân thủ theo dõi, điều trị bệnh ở cơ sở y tế có chuyên khoa mắt.

Bệnh nhân cần dùng đúng thuốc theo toa, làm sạch ghèn trước khi nhỏ thuốc. Rửa tay trước và sau khi rửa, nhỏ mắt. Dùng bông gòn (loại dùng một lần) lau mắt, không dùng khăn. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Đeo kính mát bảo vệ mắt và nên vệ sinh kính mỗi ngày. Cách ly người bệnh 5-7 ngày.

Không đưa vật lạ vào mắt như xông hơi lá trầu, nặn chanh, đắp lá cây, lá nha đam, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ... vì có thể làm mắt bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn. Hiện chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh.

Phòng ngừa bệnh bằng cách rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh những vật dụng như nắm tay cửa, điện thoại, bàn phím, chăn gối, khăn... khi người bệnh có tiếp xúc. Người bệnh nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp vì bệnh lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi ho hoặc nhảy mũi. Hạn chế đi học, đi làm khi mắt còn đỏ và chảy nước mắt từ 5-7 ngày.

Lê Phương
Bạn đang đọc bài viết "Cẩn trọng khi chữa đau mắt đỏ bằng thuốc chứa corticoid" tại chuyên mục Y tế.