Sau án phạt từ HOSE, Angimex công bố BCTC bán niên với ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có quyết định đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất Nhập Khẩu An Giang.
Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có quyết định đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu AGM từ ngày 18/9 vì không thực hiện nghĩa vụ báo cáo kiểm toán bán niên 2023 đúng hạn, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang – Angimex đã lập tức công bố báo cáo bán niên.
Được biết, đơn vị thực hiện kiểm toán cho Angimex lần này là Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt.
Theo báo cáo bán niên 2023, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 321,6 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới 310 tỷ đồng, chiếm tới 96% doanh thu khiến lợi nhuận gộp chỉ còn khoảng hơn 11 tỷ đồng, giảm 92% so với nửa đầu năm 2022.
Ở kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của Angimex cũng giảm mạnh từ 62,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 xuống còn 17,7 tỷ đồng. Chi phí lãi vay khá lớn, lên tới 56 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ các chi phí, Angimex lỗ sau thuế 57,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lỗ tới 54,6 tỷ đồng, chiếm 94%. Như vậy, tổng 2 quý đầu năm 2023, Angimex lỗ tới hơn 125 tỷ đồng.
Như vậy, sau nửa đầu năm 2023, Angimex mới hoàn thành 28,6% chỉ tiêu doanh thu (1.123 tỷ đồng) dù đã điều chỉnh giảm 72% so với kế hoạch trước đó và còn cách chỉ tiêu lợi nhuận với khoảng cách rất xa (12 tỷ đồng).
Về tài chính, tính đến ngày 30/6/2023, Angimex có tổng tài sản đạt 1.495 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn giảm mạnh 45% so với đầu quý I/2023, chỉ còn 433 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn, khoản đầu tư ngắn hạn và hàng tồn kho đồng loạt giảm mạnh. Bù lại, tài sản dài hạn tăng lên 1.062 tỷ đồng so với 796,8 tỷ đồng của đầu năm 2023 do các khoản thu dài hạn tăng mạnh, đạt 292 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Angimex giảm 20%, chỉ còn 234 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đạt 1.261 tỷ đồng, giảm khoảng 27 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đa số, đạt 1.014 tỷ đồng.
Với các dư nợ trái phiếu, Angimex cho biết gói trái phiếu mã AGMH2123001 có mệnh giá 350 tỷ đồng, được phát hành ngày 8/11/2021, đáo hạn ngày 9/11/2023 đã được trái chủ đồng ý phát mãi tài sản đảm bảo để thanh toán cả gốc và lãi.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2023, ngày 9/2/2023 và ngày 9/5/2023 là hạn thanh toán lãi với số tiền lãi là gần 6,2 tỷ đồng nhưng Angimex chưa thanh toán cho trái chủ mã trái phiếu AGMH2123001 do khó khăn về tình hình tài chính.
Đối với trái phiếu mã AGMH2223001 với dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành ngày 3/3/2022. Trong đó, theo Nghị quyết của trái chủ ngày 4/7/2023, trái phiếu được gia hạn thanh toán đến ngày 14/9/2024.
Đáng chú ý, ngày 14/6/2023 là hạn Angimex phải thanh toán lãi 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới ngày 30/6, Angimex mới thực hiện thanh toán, muộn hơn 3 tháng so với thời gian ban đầu do khó khăn về tình hình tài chính. Đến ngày 14/6/2023, Angimex tiếp tục phải trả thêm hơn 3,7 tỷ đồng lãi trái phiếu AGMH2223001 nhưng cũng chưa được thanh toán và đã đàm phán thành công để gia hạn.
Không chỉ nợ trái phiếu, Angimex còn lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi liên tục bị UBCKNN phạt. Ngày 28/6/2023, Angimex bị UBCKNN phạt 92,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, phạt 25 triệu đồng với lỗi vi phạm không báo cáo nội dung thù lao của nhân sự thượng tầng và 150 triệu đồng đối với hành vi báo cáo có nội dung sai lệch.
Với tình trạng sức khỏe tài chính như trên, đơn vị kiểm toán mặc dù không đưa ra ý kiến loại trừ nhưng lại nhấn mạnh, nhóm công ty AGM đã phát sinh khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2023 với số tiền 125 là tỷ đồng và nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 581 tỷ đồng.
Trong đó, một phần do bao gồm khoản huy động trái phiếu chuyển từ khoản mục vay dài hạn sang vay ngắn hạn 350 tỷ đồng và phân loại lại các khoản nợ phải thu ngắn hạn sang dài hạn liên quan đến các khoản đầu tư để hình thành tài sản cố định trong tương lai là hơn 279 tỷ đồng, thanh khoản trái phiếu cũng ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của nhóm công ty.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của nhóm công ty phụ thuộc vào khả năng có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác để tạo ra dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Những điều kiện này cùng những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Chưa dừng lại ở đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý việc AGM đã nộp hồ sơ khởi kiện đối với khoản tiền trả trước cho bà Từ Thị Hồng Thanh do đến thời điểm này vẫn không thu hồi được số tiền 24,5 tỷ đồng. Đồng thời, AGM cũng chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện đối với khoản tiền trả trước cho ông Lê Quang Nhuận vì không thu hồi được 20 tỷ đồng.
Với vấn đề cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, Angimex cho biết sẽ tập trung tái cấu trúc và điều chỉnh quy mô hoạt động để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đồng thời, Angimex sẽ thanh lý một số tài sản cũng như thoái vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để tăng cường nguồn vốn kinh doanh, giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra, Angimex cũng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo và phát triển thị trường nội địa và mở rộng ngành hàng mới.
Sau tất cả những “biến cố” trên, Angimex lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông về việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để có nguồn lực hoạt động.
Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/9, giá cổ phiếu AGM dừng lại ở mức 7.300 đồng/cp, giảm 500 đồng/cp so với ngày hôm qua.