Thêm bệnh... vì thuốc cầm tiêu chảy
Phòng khám Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tiếp nhận bé Đ.T.P.T., 18 tháng đến khám vì mệt và nôn nhiều. Được biết, bé P.T bị tiêu chảy, ngày đi 5-6 lần. Mẹ bé P.T. đã nghe bạn mách, tìm mua thuốc cầm tiêu chảy “đầu xanh đầu nâu” (loperamid) cho bé uống. Bé giảm tiêu chảy nhanh, tuy nhiên bé lại mệt hơn trước khi uống thuốc, có triệu chứng buồn nôn, nôn, bụng trướng và bỏ ăn uống... Các bác sĩ cho biết, đây chính là các tác dụng phụ của thuốc mà trẻ mắc phải. Rất may sau khi được điều trị, bé đã khỏi bệnh và ra viện.
BS. Trần Đồng (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho hay: Tiêu chảy ở trẻ em đa phần do nhiễm trùng đường ruột. Đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ thải trừ vi trùng, chất độc ở đường ruột. Trong khi đó, các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài trong khi trẻ vẫn bị tiêu chảy. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do nhiễm trùng, nhiễm độc.
Không dùng loperamid cho trẻ em vì có thể có tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc không được dùng thường quy cho trẻ
Theo BS. Trần Đồng, loperamid là một thuốc trị tiêu chảy được dùng để chữa triệu chứng các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính. Ðây là một dạng opiat tổng hợp mà ở liều bình thường có rất ít tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Loperamid làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân.
Tuy nhiên, BS. Trần Đồng nhấn mạnh: Loperamid dù rất rẻ và hiệu nghiệm tuy nhiên, thuốc này không dùng thường quy với trẻ em vì có thể có tác dụng phụ nguy hiểm và không được coi là một thuốc để thay thế liệu pháp bù nước và điện giải bằng đường uống. Đặc biệt, chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ độ tuổi lớn hơn chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc có thể làm đình trệ nhu động ruột, giảm tống “phân độc” ra ngoài, thậm chí gây liệt tắc ruột, trẻ có thể trướng bụng hoặc buồn nôn... Với trẻ dưới 2 tuổi đã ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như ngừng tim, bất tỉnh hoặc bị ức chế hô hấp.
Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?
Theo BS. Trần Đồng, khi trẻ bị tiêu chảy, cần được theo dõi chặt chẽ số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng ăn uống... của trẻ để có thể kịp thời điều trị. Nguy hiểm nhất của tiêu chảy ở trẻ là do mất nước và muối. Trẻ có thể tử vong nếu bị mất nước nặng... mà không được bù nước điện giải kịp thời.
Để tránh mất nước, cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, nước khoáng, nước dừa tươi... Trẻ cần phải uống dung dịch oresol nhưng phải theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ bị tiêu chảy càng cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn của trẻ. Trong trường hợp trẻ không ăn được nhiều do mệt vì mất nước, các bậc cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, mềm, đút chậm vì trẻ dễ nôn ói, sau khi trẻ nôn khoảng 30 phút là có thể cho trẻ ăn lại.
Nếu trẻ sốt cao, kèm quấy, khó chịu nhiều... thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, liều lượng tùy thuộc vào cân nặng. Có thể cho trẻ uống men vi sinh: Giúp tăng cường miễn dịch của hệ tiêu hóa đường ruột, thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, từ đó rút ngắn thời gian bệnh. Kết hợp bổ sung kẽm: Giúp trẻ ăn ngon hơn và ngăn chặn nguy cơ suy dinh dưỡng do tiêu chảy cấp. Kẽm còn giúp tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Lưu ý, chỉ sử dụng kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn gây ra. Để xác định trẻ bị tiêu chảy có phải do vi khuẩn hay không thì cần phải được bác sĩ khám hoặc xét nghiệm phân, không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có kết luận chính xác.
Đưa trẻ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa nhi nếu sau 3 ngày không đỡ hoặc có một trong các triệu chứng như: Đi ngoài nhiều lần hơn, phân nhiều nước, nôn liên tục, khát nhiều, khóc không thấy nước mắt, mắt hõm sâu, tiểu tiện ít, ăn hoặc uống kém, sốt hoặc có máu trong phân.
BS. Trần Đồng khuyên, để tránh mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em cần thực hiện: Không ăn các loại thịt sống, thịt chưa chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn; rửa tay trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn; uống nước chín; vệ sinh kỹ dụng cụ ăn của trẻ. Trong thời gian cho con bú, mẹ phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Ngoài ra, nên cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc-xin để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus - nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến hàng đầu hiện nay.