Nhiều gói thầu trang thiết bị tại bệnh viện K chênh lệch hàng chục tỷ đồn
Đối thủ thành… đối tác
Gói thầu robot có giá chênh lệch từ vài tỷ tới hàng chục tỷ đồng tại bệnh viện K, liên quan tới “đối tác” là Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Mỹ (công ty Việt Mỹ). Theo đó, năm 2019, công ty Việt Mỹ đã trúng thầu gói Mua sắm hệ thống robot trong phẫu thuật nội soi và thiết bị phụ trợ. Quá trình tham gia dự thầu, đấu giá, Công ty Việt Mỹ đã vượt qua 3 đối thủ để được lựa chọn trúng thầu vào cuối tháng 5/2019 với giá trúng thầu là 88,36 tỷ đồng (giá gói thầu là 88,5 tỷ đồng).
Trong số 3 đối thủ bị Công ty Việt Mỹ "đánh bật" có Công ty TNHH Vật tư và Trang thiết bị y tế Hat Med Việt Nam (Hà Nội) lọt qua vòng kỹ thuật và được đánh giá đề xuất tài chính, tuy nhiên chỉ xếp vị trí thứ hai. Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư thiết bị y tế và Xuất nhập khẩu Sao Kim đều bị trượt ở bước đánh giá về kỹ thuật.
"Kịch tính" của lần đấu thầu này là việc công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát bị Knock out ở “vòng thi” kỹ thuật, nhưng sau đó thiết bị của công ty này lại được "trúng thầu" với tư cách nhà thầu phụ trong liên doanh nhà thầu cùng công ty Việt Mỹ. Tức là, từ vị trí đối thủ của công ty Việt Mỹ trong lần đấu thầu này, Công ty Đại Phát sau đó lại trở thành đối tác, liên danh với công ty Việt Mỹ để trúng Gói thầu Cung cấp hệ thống hệ thống robot nêu trên cho bệnh viện K. Thế là trúng thầu hay trượt thầu cũng bán được thiết bị.
Bên cạnh gói thầu trên, tại Bệnh viện K, Công ty Việt Mỹ còn trúng thầu cung cấp vật tư cho hệ thống xạ trị áp sát liều cao (HDR) Flexitrion - Elekta; bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy gia tốc Compact Elekta; cung cấp túi chân không cho điều trị ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt; bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy Spect 2 đầu thu Infinia...
Trong khi đó, theo điều tra của phóng viên Ngày Nay, công ty Đại Phát - đơn vị liên kết với công ty Việt Mỹ để bán robot cho bệnh viện K là đơn vị nhập khẩu “hệ thống Robot phẫu thuật nội soi và thiết bị phụ trợ” DA VINCI XI SURGICAL SYSTEM MODEL IS 4000 trong tháng 6 và tháng 10/2019, chỉ lần lượt có mức giá khai báo nhập khẩu chỉ hơn 50,9 tỷ và hơn 67,8 tỷ đồng.
“Cuộc tình tay ba” này cho kết quả một hệ thống robot có thể xem là đắt nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc “chân gỗ” trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị và có phải đây là một kiểu “bình thông nhau” để “thổi” giá trang thiết bị y tế hay không?.
Chưa hết, quá trình điều tra, phóng viên Ngày Nay còn được biết việc liên doanh liên kết đặt trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện K với giá “trên trời” cũng từ kiểu đấu thầu này. Cụ thể, năm 2018, giá liên doanh liên kết hệ thống chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện K với đối tác có giá như sau: hệ thống máy chụp cắt lớp 128 lát cắt với chức năng chụp CT có giá 46.416523.100 đồng; hệ thống CT 16 lát cắt và thiết bị phụ trợ 12.506.130.000 đồng; 2 hệ thống MRI 1,5 tesla 87.469.800.000 đồng (43.734.900.000/máy); CT 64 lát cắt 23.370.000.000 đồng; CT SIM 64 dãy 26.711.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, giá nhập khẩu các thiết bị này vào năm 2018 như sau: Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và phụ kiện đi kèm model Revolution CT 128 lát cắt hãng Ge Medical system sx năm 2018 có giá 29.467.189.350 đồng (giá nhập ngày 20/3/2018). Trong khi, giá bệnh viện K liên doanh với đối tác là 46.416523.100 đồng, chênh lệch hơn 17 tỷ đồng.
Theo tờ khai hải quan năm 2018 thì Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và phụ kiện đi kèm model Revolution CT 128 lát cắt có giá hơn 29 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2019, cũng loại máy này, có công ty cung ứng cho bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ với giá hơn 25 tỷ đồng.
Tham khảo thêm thông tin qua việc mua sắm hệ thống CT Scanner 128 lát cắt từ năm 2018 đến đầu năm 2020 thì bệnh viện mua máy cao nhất cũng chưa tới 30 tỷ đồng. Bệnh viên mua máy thấp nhất thuộc về một bệnh viện tại TP.HCM, mua thiết bị CT Scanner 128 lát cắt chỉ hơn 15 tỷ đồng. Trong khi đó, giá liên doanh liên kết của bệnh viện K lên tới hơn 46 tỷ đồng… là điều không bình thường.
Để làm rõ những tình tiết "kịch tính" trong "cuộc tình tay ba" giữa các bên, ngày 23/11, phóng viên Ngày Nay đã tới trụ sở công ty Việt Mỹ để tìm hiểu vụ việc, thì được biết lãnh đạo công ty đi vắng, nhân viên yêu cầu gửi lại câu hỏi và liên lạc lại sau.
Một ca phẫu thuật tại bệnh viện K |
Vụ trang thiết bị, các Sở, Ban, Ngành… “làm ngơ”?
Việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của nhiều đơn vị trong thời gian qua có sự khác biệt, chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, không hiểu sao các đơn vị hữu quan lại gần như buông bỏ?.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với việc đấu thầu có giá trị lớn trên 100 triệu đồng thì bên cạnh các thành viên tổ thầu của đơn vị, còn có các ban ngành khác tham gia. Thế nhưng, chuyện đấu thầu vẫn mang tiếng là "con voi vẫn chui qua lỗ kim".
Để xảy ra tình trạng này, đơn vị đầu tiên đóng vai trò "then chốt" là Vụ Trang Thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) - đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ Y tế quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế chuyên dùng, quản lý máy móc và quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng công trình y tế. Kế đến là các sở ban ngành và chủ đầu tư...
Trong khi nắm trong tay các tài liệu, hồ sơ kỹ thuật và giấy tờ hải quan, nhưng giá trang thiết bị thì loạn xì ngầu. Từ ngày 13/11 đến nay, phóng viên Ngày Nay đã nhiều lần liên hệ với Vụ trang Thiết bị và công trình y tế để làm rõ vụ việc nhưng đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Thậm chí, ngày 23/11, sau khi bài viết về bệnh viện K được đăng tải, phóng viên Ngày Nay đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng vụ trang thiết bị và công trình y tế, thì ông Tuấn cho hay Vụ đã trình lãnh đạo Bộ xin ý kiến và chuyển câu hỏi của phóng viên cho bệnh viên K.
Dù khẳng định không phải phát ngôn chính thức nhưng ông Tuấn cho rằng mọi người hiểu sai về vai trò của Vụ. Vấn đề giá cả là việc của doanh nghiệp, của hội đồng thầu... và chỉ nắm giá nhập khi nào liên hệ với Hải quan. Nói vậy thì Vụ trang thiết bị khác nào "bù nhìn"?. Nếu như ông Tuấn cho rằng Vụ không có trách nhiệm, chức năng (trước đây) thì tại sao vừa qua, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Vụ trang thiết bị cập nhật giá trang thiết bị lên cổng thông tin điện tử mà không phải là một đơn vị khác?.
Việc để cho giá trang thiết bị theo kiều mỗi anh thầu một giá nhưng không bị kiểm soát, ngoài Vụ trang thiết bị thì phải xem xét trách nhiệm của thành viên hội đồng thầu cũng như các Sở, Ban, Ngành... Bởi việc mua sắm trang thiết bị tại các địa phương cũng đều phải báo cáo về các Sở, Ban ngành… Đa số chuyên viên, ít nhiều họ nắm hồ sơ thiết bị, kết quả các đợt thầu trước đó của các đơn vị hoặc phải là người am hiểu về kỹ thuật, giá cả. Còn không thì cũng phải tham khảo, tìm hiểu về kỹ thuật lẫn giá cả của thiết bị nên khó mà nói rằng để xảy ra tình trạng giá thiết bị trên trời... là chuyện đâu đâu. Ngay bản thân chúng tôi, là người “ngoại đạo” mà còn phát hiện ra thì không hiểu sao, những người được giao nhiệm vụ này trước giờ không “động tĩnh”, “thổi còi” khi các bệnh viện “mua hớ” trang thiết bị?
Liên quan tới vụ việc này, ngày 13/11, phóng viên Ngày Nay đã trực tiếp tới bệnh viện K để chuyển nội dung câu hỏi tới lãnh đạo bệnh viện K. Tuy nhiên, sau 10 ngày, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ngày 23/11, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với bác sĩ Lê Văn Quảng nhưng ông Quảng cho biết đã giao cho bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh xem xét trả lời... báo chí. Tuy nhiên, phóng viên gọi điện cho bác sĩ Tĩnh thì ông ấy không bắt máy.