WHO khuyến cáo rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng có thể hạn chế sự lây truyền của virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 - Ảnh: EPA
Để so sánh, nghiên cứu - đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng - cho biết mầm bệnh gây cúm chỉ có thể tồn tại trên da người khoảng 1,8 tiếng, theo Hãng tin AFP ngày 18-10.
"Việc có thể tồn tại tới 9 tiếng của virus SARS-CoV-2 (chủng virus corona gây ra bệnh COVID-19) trên da người có thể làm gia tăng nguy cơ lây truyền qua tiếp xúc so với IAV (virus cúm A), do đó khiến đại dịch lần này lây lan nhiều hơn", nghiên cứu nhận định.
Để phát hiện điều đó, nhóm nghiên cứu đã xét nghiệm các mẫu da thu thập từ các mẫu vật khám nghiệm tử thi - khoảng một ngày sau khi chết. Tuy nhiên, cả virus corona và virus cúm đều trở nên bất hoạt trong vòng 15 giây sau khi tiếp xúc với ethanol, chất có trong các loại dung dịch rửa tay.
"Việc virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn trên bề mặt da làm tăng nguy cơ lây truyền qua tiếp xúc, nhưng vệ sinh tay có thể làm giảm nguy cơ này", nghiên cứu kết luận.
Hãng tin AFP cho biết nghiên cứu ủng hộ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng để hạn chế sự lây truyền của virus corona.
Cho đến nay, virus này đã lây nhiễm cho hơn 40 triệu người trên thế giới và là nguyên nhân khiến hơn 1,1 triệu người thiệt mạng. Đứng đầu về số ca nhiễm COVID-19 hiện nay là Mỹ với gần 8,4 triệu ca, kế đến là Ấn Độ (hơn 7,5 triệu ca) và Brazil (hơn 5,2 triệu ca), theo thống kê sáng 19-10 của trang worldometers.info.