Bất động sản Phú Quốc: Cắt lỗ cũng ít người mua
Những ngày đầu năm 2021 xuất hiện nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản tại Phú Quốc (Kiên Giang) khi nơi đây nâng cấp lên thành phố.
Nhà đầu tư kỳ vọng, đây sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy thị trường bất động sản Phú Quốc sau quãng thời gian gần 3 năm trầm lắng vì "cơn sốt" luật đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, ngày 21/1/2021, trao đổi với PV, ông Dương Trọng Dũng - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Phú Quốc lại tỏ ra không mấy lạc quan về thị trường nhà đất Phú Quốc trong một vài năm tới.
Ông Dũng cho rằng, bài học năm 2018 khi dư luận xôn xao về luật đặc khu kinh tế là một bài học đắt giá cho giới đầu tư bất động sản ở thị trường Phú Quốc. Nhiều nhà đầu tư với nguồn vốn nhỏ từ 3-5 tỷ đồng hay thậm chí 50-60 tỷ đồng đã thất bại tại thị trường này.
"Vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng Phú Quốc sẽ trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam, giá đất nơi đó tăng chóng mặt, mỗi ngày được thiết lập một kỷ lục giá mới. Nhưng sau đó, luật đặc khu kinh tế bị gác lại khiến cho đến bây giờ nhiều nhà đầu tư vẫn còn bị mắc kẹt tại đây" - ông Dũng cho biết.
Đứng trước sự khó khăn của thị trường, nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Phú Quốc chấp nhận bán cắt lỗ từ 40 - 50% giá trị đầu tư ban đầu nhưng cũng khó tìm được người mua.
Ông Dũng nêu ví dụ một lô đất 230 m2 ở khu vực Suối Đá được một người đầu tư giấu tên mua vào trong đợt sốt với giá 3,5 tỷ đồng. Thời điểm đầu năm 2020, người chủ này rao bán nhưng khách chỉ chấp nhận trả 2,3-2,4 tỷ.
Vì kỳ vọng giá đất sẽ tăng trở lại khi Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, người này chỉ đồng ý bán lô đất ít nhất 2,5 tỷ đồng. Sau đó không lâu, do không thể tiếp tục trả lãi vay được nữa, chủ nhà buộc phải bán lô đất 230 m2 này với giá 2,3 tỷ đồng.
Tương tự, tại khu phố 10 (phường Dương Đông), một lô đất trồng cây lâu năm rộng 435 m2 được khách mua tìm đến và thương thảo ở mức 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ nhà không đồng ý vì cho rằng lô đất gần nơi được quy hoạch thành khu hành chính mới của TP Phú Quốc nên không đồng ý bán dưới 7,5 tỷ đồng. Cuối cùng, tháng 10 vừa qua, người này buộc phải bán đi với giá 6,8 tỷ đồng.
Ông Dũng cho rằng, hiện nay quỹ đất đẹp, xứng đáng để đầu tư ở Phú Quốc chỉ chiếm 5% tổng quỹ đất của huyện đảo này và phần nhiều đã thuộc về tay các chủ đầu tư lớn.
Hơn nữa, vấn đề pháp lý rõ ràng là một trong những vướng mắc nổi cộm, khiến mức độ rủi ro khi đầu tư tại đây còn khá cao.
Trong khi đó, ông Đặng Đức Giới - Giám đốc DK Land cho rằng, giá đất tại Phú Quốc sẽ khó tăng giá mạnh, sốt đất ảo như thời gian trước đây. Bên cạnh đó, đất nền Phú Quốc đang trong tình trạng "bội thực" vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít.
"Việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo xung lực đủ để kích thích thị trường nhưng sẽ không sôi động, không có chuyện đất tăng giá nhanh và cao như các đợt sốt trước đây", ông Giới dự báo.
Du lịch là rào cản lớn, tỷ suất lợi nhuận sẽ thấp trong vài năm tới?
Một trong những nguyên nhân tạo ra cơn sốt đốt trong những năm qua được cho là nơi đây là khu vực có vị thế tiềm năng để phát triển du lịch. Chính vì thế, ngày càng nhiều các dự án nghỉ dưỡng được xây dựng tại thành phố này.
Thế nhưng, trong năm 2020, du lịch Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung lún sâu vào suy thoái. Đại dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng của ngành du lịch thế giới bị kéo lùi về mức độ của năm 1990 với lượng du khách sụt giảm tới 72% chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, ngành du lịch của Việt Nam thiệt hại nhiều tỷ USD trong năm 2020 do Covid-19. Những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở những thành phố ven biển như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang)...
Ông Dương Trọng Dũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, dù Chính phủ Việt Nam đang có những bước kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng kinh tế vẫn chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ các nước khác trên thế giới, dịch bệnh khiến cho du khách sang Việt Nam bị sụt giảm đáng kể.
"Với tình hình ngành du lịch chưa thể trở lại bình thường thì dù có đầu tư bất động sản vào Phú Quốc như thế nào cũng không thể đạt được lợi nhuận như đã vọng đã có trước đây.
Thậm chí, nếu cơ quan chức năng không quản lý tốt còn dẫn tới tình trạng thừa nguồn cung, nhiễu loạn thị trường đầu tư đất nền, gây ra một cuộc sóng gió như gần 3 năm trước" - ông Dũng bày tỏ.