Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

“Con” bị cưỡng chế 5.491 tỷ: Giật mình loạt công ty "có vấn đề" của Novaland

18/04/2022 10:00

Chi cục thuế thành phố Thủ Đức đã có “Lệnh thu ngân sách Nhà nước” “cưỡng chế” thu Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21, số tiền nợ thuế 5.491 tỷ đồng. Trước đó, một công ty con khác của Novaland cũng bị “réo tên” vì thuế nhưng Novaland đã nhanh chân “thoát xác” với khoản lợi nhuận khổng lồ.

Công ty con bị “cưỡng chế” 5.491 tỷ đồng

Giữa tháng 3/2022, Chi cục thuế thành phố Thủ Đức đã có “Lệnh thu ngân sách Nhà nước” “cưỡng chế” yêu cầu Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành trích tài khoản của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21), công ty con của Novaland mở tại ngân hàng. Số tiền này được chuyển vào Kho bạc Nhà nước thành phố Thủ Đức.

Tổng số tiền phải nộp là 5.491 tỷ đồng. Chi cục thuế thành phố Thủ Đức phải thực hiện nghiệp vụ này sau khi Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 liên tục chây ì không nộp thuế. Trong đó, giá trị đất được giao là 4.614 tỷ đồng, thuế sử dụng đất PNN – thu từ đất ở tại đô thị là gần 195 triệu đồng, tiền sử dụng đất phi nông nghiệp là 31 triệu đồng, tiền cho thuê mặt đất, mặt nước là 512 tỷ đồng, tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% NSDP là gần 365 tỷ đồng.


Vì công ty Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 nợ thuế dai dẳng nên khách hàng là chủ các căn hộ trong dự án Lakeview City chưa nhận được sổ hồng.

Theo Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức, trường hợp số tiền trên tài khoản của công ty nhỏ hơn số tiền trên Quyết định cưỡng chế thì Ngân hàng Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Vụ việc nợ thuế của Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 đã diễn ra trong thời gian dài và gây sự chú ý lớn với dư luận.

Tuy nhiên, không dễ để Chi cục thuế thành phố Thủ Đức thu được số tiền kể trên vì Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 đang trong quá trình “lao dốc”.

Năm 2017 ghi nhận thời kỳ thăng hoa của Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 khi các chỉ tiêu kinh doanh đều đột phá. Doanh thu tăng từ 33.899 tỷ đồng. Thay vì lỗ 13,1 tỷ đồng như 2016, công ty đã đạt lợi nhuận lên đến 2.294 tỷ đồng.

Thế nhưng, sau đó, công ty “rơi mạnh”. Trong các năm 2018, 2019 và 2020, doanh thu giảm dần đều xuống 836 tỷ đồng, 189 tỷ đồng và 183 tỷ đồng; lợi nhuận giảm xuống 566 tỷ đồng, 122 tỷ đồng và 33,1 tỷ đồng.

Tổng tài sản cũng “cài số lùi”. Tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ tiêu này chỉ đạt 4.804 tỷ đồng, giảm 2.743 tỷ đồng, tương đương 36,3% so với năm đỉnh cao 2017.

Cả tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2020 của Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 không đủ trả tiền thuế. Vì công ty nợ thuế dai dẳng nên khách hàng là chủ các căn hộ trong dự án Lakeview City chưa nhận được sổ hồng.

Novaland vừa “thoát xác” khỏi công ty con nợ thuế, có dấu hiệu sai phạm

Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 không phải công ty liên quan duy nhất của Novaland chìm trong scandal nợ thuế. Công ty cổ phần Cảng Phú Định thường xuyên nằm trong Top đầu các đơn vị bị Cục thuế TP.HCM réo tên vì nợ thuế dai dẳng. Con số nợ lên đến khoảng 250 tỷ đồng.

Ngoài ra, hồi giữa tháng 6/2021, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TPHCM đã vào cuộc điều tra, làm rõ những dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phân Cảng Phú Định sau khi nhận được kiến nghị từ Thanh tra TP.HCM.

Ngay sau khi có thông tin cơ quan công an vào cuộc, Novaland nhanh chân “thoát xác” khỏi Cảng Phú Định với khoản lợi nhuận khổng lồ.


Trước khi Vũ nhôm vướng vào lao lý với Xây dựng Bắc Nam 79, Novaland đã nhanh chân thoái vốn khỏi công ty này. Và ngay khi, Cảng Phú Định bị công an điều tra, Novaland cũng "thoát xác" hoàn toàn.

Theo Nghị quyết số 78/2021-NQ.HĐQT-NVLG ngày 24/6/2021, Hội đồng quản trị phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần giá trị phần vốn góp chuyển nhượng là gần 311 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 19,73% điều lệ tại công ty này.

Trong tháng 6/2021, Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển nhượng với tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 710 tỷ đồng. Khoản lãi gần 270 tỷ đồng là chênh lệch giữa tổng giá trị chuyển nhượng và giá trị ghi sổ của tài sản thuần được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất.

Trước đó, ngày 25/10/2012, Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của UBND TP HCM, trong đó Công ty Cảng Sông TP HCM thực hiện cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cuối năm 2014, công ty này hoàn thành cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần cảng Phú Định với vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Novaland là nhà đầu tư chiến lược, sở hữu tỷ lệ hơn 25%.

Đầu năm 2017, Samco tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Novaland tiếp tục mua lại cổ phần và sở hữu hơn 59% tại Công ty Cổ phần cảng Phú Định. Như vậy, Nhà nước đã không còn nắm quyền chi phối công ty này.

Cảng Phú Định không phải công ty con duy nhất của Novaland có liên quan đến pháp luật. Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 từng “nổi bật” khi có tên trong đại án Vũ nhôm. Và cũng thật trùng hợp, trước khi các phiên toà diễn ra, Novaland cũng âm thầm thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.