Anh Toản và vợ, chị Nguyễn Thị Ngân, 38 tuổi, đều là công nhân Công ty TNHH Gỗ Hoàng Thông (TP Dĩ An). Từ tháng 5, nhà máy bắt đầu giảm đơn hàng, đến nay chỉ duy trì một nửa công suất hoạt động. Việc ít, doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, sắp xếp cho lao động nghỉ chờ việc.
Chị Ngân ở lại nhà máy làm việc trong khi chồng và con đã về quê. Ảnh: Lê Tuyết
Dù nhà máy giữ nguyên các khoản phụ cấp, lương cơ bản nhưng do không làm thêm, tổng thu nhập của vợ chồng anh Toản giảm gần 7 triệu đồng so với trước. "Nếu tiếp tục ở lại, cả nhà sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi chia ra để xem chỗ nào ổn thì ở", anh Toản nói.
Trước mắt, nam công nhân về quê quay lại nghề biển, con trai 4 tuổi được gửi học mẫu giáo gần nhà với chi phí bằng một nửa so với trước. Chị Ngân cố bám trụ nhà máy để duy trì một nguồn thu cho gia đình dù chỉ còn 6 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp đơn hàng ở công ty tiếp tục sụt giảm, việc không còn cả nhà phải hồi hương. "Ở quê không tốn tiền thuê trọ, đói vẫn có rau ăn", anh Toản nói.
Anh Toản là một trong hơn 800 công nhân Công ty Gỗ Hoàng Thông nghỉ việc khi nhà máy giảm giờ làm. Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự công ty, nói đầu năm đơn hàng tăng nhanh, doanh nghiệp bỏ ra hơn ba tỷ đồng để về các tỉnh tuyển gần 1.500 công nhân. Với những lao động ở xa, công ty bao cả chuyến bay đón vào. Hồi tháng 4, đối tác còn đưa xe đến tận xưởng chờ lấy hàng. Tuy nhiên chưa đầy một tháng sau, đơn hàng giảm đột ngột, hiện chỉ còn sản xuất cho thị trường trong nước.
"Chúng tôi bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để tuyển được lao động nhưng giờ đây đành chấp nhận để họ rời đi", ông Hiệp nói. Nhà máy không ký được đơn hàng mới, trong khi dự kiến phải đến giữa năm sau sản xuất mới phục hồi, công nhân không thể chờ.
Theo ông Hiệp, công nhân nghỉ việc chủ yếu về quê bởi xung quanh các nhà máy gỗ gần như không tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì không có hàng.
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động. Cùng với TP HCM, Đồng Nai, đây là địa phương tập trung nhà máy nhiều nhất khu vực Đông Nam Bộ với hoạt động sản xuất rất sôi động.
Tuy nhiên, ghi nhận của Liên đoàn lao động Bình Dương, từ quý 2 đến nay có hơn 330 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn gặp khó khăn phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng, cho công nhân nghỉ không hưởng lương. Tổng số lao động bị ảnh hưởng lên đến hơn 41.000 người. Ngoài ra, nhiều nhà máy còn cho công nhân nghỉ dồn phép năm, giảm số ngày làm việc trong tuần, tạm ngừng việc nhưng vẫn trả lương cơ bản...
Dãy trọ Hưng Lợi 2 có rất nhiều phòng phải đóng cửa vì công nhân mất việc, về quê. Ảnh: Lê Tuyết
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương), cho hay một số ngành như gỗ, dệt may, da giày, điện tử... xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. Tình hình chung của các nhà máy là đơn hàng giảm sút 30-50%, không ký được đơn hàng mới, sản phẩm đã hoàn thiện không xuất đi được, chậm thu hồi vốn... Đối với công nhân, khi bị giảm việc, nhiều người chọn hồi hương để giảm chi tiêu bởi "4-5 triệu đồng lương cơ bản khó lòng sống được".
Gần hai tháng qua, cư xá Hưng Lợi 2 (thị xã Tân Uyên) với hơn 1.300 phòng trọ không còn nhộn nhịp như lúc đầu năm do công nhân lần lượt về quê. Anh Nguyễn Văn Hưng, quản lý cư xá, nói thời điểm đông nhất có hơn 4.000 người thuê, giờ đây chưa đến 2.000 người ở lại, số phòng trống chiếm hơn một nửa.
Khu cư xá được thiết kế rộng rãi, giá thuê hợp lý, đầy đủ tiện ích lại gần các khu công nghiệp nên được công nhân ưu tiên lựa chọn, muốn thuê phải liên hệ đặt trước, giữ chỗ. Song, những ngày qua chỉ thấy lao động trả phòng mà không hẹn ngày trở lại. Nhiều người thuê ki-ốt quanh cư xá bán hàng cũng trả mặt bằng vì vắng người mua.
"Tình hình khó khăn hơn cả lúc dịch bùng phát, tỉnh giãn cách", anh Hưng nói. Thời điểm đó lao động mất việc vẫn còn được nhận các gói hỗ trợ, giúp đỡ lương thực, giờ đây nhiều người không có lương và "không còn gì để ăn". Lao động thời vụ, không có hợp đồng là những trường hợp bị cắt giảm đầu tiên khi nhà máy ít việc. Nhóm này trả phòng về hơn tháng trước, chủ yếu đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Kế đến là những người bị sắp xếp nghỉ chờ việc 15-20 ngày hưởng lương cơ bản, có quê cách Bình Dương tầm 500 km.
"Có lương nhưng mỗi tháng 5 triệu đồng cũng không sống được, họ phải về thôi", anh Hưng nói. Những người ở lại cư xá chủ yếu do quê quá xa hoặc cả gia đình chuyển đến Bình Dương sống, không còn nhà để về. Thất nghiệp dài ngày, nhiều gia đình ra các con mương xung quanh bắt ốc, hái rau sống tạm qua ngày. Để hỗ trợ công nhân, chủ cư xá giảm mỗi phòng 300.000 đồng.
Anh Hưng cho biết công nhân bỏ về quê, phòng trống trơn không chỉ ở cư xá Hưng Lợi 2 mà nhiều nhà trọ xung quanh cũng tình trạng tương tự. Một người bạn của anh có 22 phòng trọ nhưng giờ đây chỉ hai phòng có người. Cách đó chừng 500 m, khu trọ với số phòng gấp đôi cư xá Hưng Lợi 2 chỉ còn một nửa người thuê.
Chồng chị Thanh chuẩn bị đi làm ca chiều, hôm 26/8. Ảnh: Lê Tuyết
Bế con nhỏ hơn một tuổi, chị Trần Thị Thanh, 36 tuổi, quê Thanh Hóa, cho biết ròng rã tìm việc mấy tháng qua nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Chồng chị là công nhân sản xuất cửa, vách kính nhưng nhà máy không còn việc. Hơn tháng qua, anh phải đi xây lát các con đường quanh nhà xưởng và nhận lương cơ bản hơn 5 triệu đồng. Lương thực, cá mắm của cả nhà chủ yếu do ông bà nội ở Hải Phòng gửi vào. Tiền lương của chồng để dành trả tiền trọ và mua sữa cho con.
"Có một chút tích góp đã tiêu hết đợt dịch. Giờ mà đủ tiền mua cặp vé xe, chúng tôi cũng hồi hương", chị Thanh nói.
Để giúp đỡ công nhân, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương, cho biết trước mắt công đoàn tỉnh phối hợp các cơ quan quản lý lao động tìm việc làm mới ở các doanh nghiệp cùng ngành nghề, đang có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, công đoàn đề nghị ngành lao động giải ngân nhanh các gói hỗ trợ. Số lượng lao động bị ảnh hưởng khá lớn, công đoàn đang rà soát danh sách để kiến nghị UBND tỉnh, Tổng liên đoàn lao động có chính sách giúp đỡ.