Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, lúc 14h08, trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km, rủi ro thiên tai cấp 1 (rất yếu, thường máy mới cảm nhận được) trong 12 cấp độ. Sau đó, Kon Plông ghi nhận thêm 5 trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-3,7 độ.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, nói lúc đang ngồi họp trong phòng nghe tiếng rung lắc dữ dội, kéo dài 3-5 giây, nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, rà soát ban đầu địa phương chưa ghi nhận thiệt hại sau động đất.
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8. Ảnh:Viện vật lý địa cầu
Cách Kon Plông khoảng 100 km về hướng tây nam, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, người dân cảm nhận rõ rung chấn do động đất. Chị Nguyễn Thị Linh, phường Tân Thạnh, cho biết đang ở tầng hai ngôi nhà thấy rung lắc, cửa va đập nhẹ kéo dài khoảng 5 giây. "Hơn 10 năm sinh sống ở đây, lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ rung chấn trận động đất", chị nói.
Tương tự, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My nói nhiều xã đã báo cáo xảy ra động đất, song chưa ghi nhận thiệt hại. Tại xã Trà Cang, người dân đang tiêm vaccine Covid-19 nghe tiếng động mạnh, rung lắc đã chạy ra phòng.
Tại Đà Nẵng, nhiều người dân cảm nhận sự rung chấn do động đất xảy ra cách đó gần 150 km, Anh Nguyễn Quang, 38 tuổi, nhà cấp 4 ở đường Núi Thành (quận Hải Châu), thấy sàn nhà bị rung nhẹ. "Ban đầu tôi cứ tưởng xe lu đang sửa đường bên ngoài làm ảnh hưởng, nhưng sau đó nghe hàng xóm nói nhà nào cũng bị rung", anh nói.
Làm việc tại tầng 12 ở cao ốc 37 tầng ven sông Hàn (quận Hải Châu), anh Nguyễn Trình, 40 tuổi, nói thời điểm xảy ra động đất, toà nhà rung nhẹ, đồ đạc trong phòng dịch chuyển. Sự việc kéo dài 5-6 giây, khiến nhiều người lo ngại.
Đầu năm đến nay, Kon Tum liên tục xảy ra động đất cường độ mạnh, ngày nhiều nhất ghi nhận 7-8 trận. Đáng chú ý, hôm 18/4 trận động đất 4,5 độ ở huyện Kon Plông, nhiều địa phương lân cận có sự rung chấn. Ba tháng qua, số trận động đất dấu hiệu giảm, cao nhất 1-2 trận mỗi ngày.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết khu vực Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này độ lớn không quá 5,0.
Hồi tháng 5, chính quyền Kon Tum đề nghị hai công ty thuỷ điện ở địa bàn là Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Thượng Kon Tum lắp thêm 5 trạm quan sát theo dõi chính xác trước bối cảnh động đất ở đây gia tăng. Hiện địa bàn có 9 trạm quan sát động đất, xoay quanh hai nhà máy thủy điện trên.
Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, chiều nay Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động công tác ứng phó, khắc phục hậu quả động đất.
Hai trận động đất mạnh nhất đều ghi nhận ở tỉnh Điện Biên năm 1935 là 6,75 độ, năm 1983 là 6,8 độ. Những động đất này có chấn tiêu nông nên vùng rung lắc, phá hủy hẹp, không gây thiệt hại đáng kể.