Bốc hơi nhanh chóng
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến khó lường với những phiên giảm điểm rất mạnh. Trong phiên 27/1, chỉ số VN-Index rớt thêm gần 39 điểm xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm. Tính từ 7/1 tới nay, chỉ số này đã mất tổng cộng khoảng 10%. Thị trường chung cũng giảm ở mức tương tự, tương đương vốn hóa mất 23 tỷ USD.
“Mọi thứ đều đang khá tốt, các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tăng mạnh, triển vọng nền kinh tế tốt nhưng chứng khoán giảm quá nhanh. Việc điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng mạnh cũng là bình thường, nhưng tốc độ và mức giảm là điều đáng quan tâm”, ông Nguyễn Văn Tùng, một nhà đầu tại Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Tùng, thị trường chung giảm khoảng 10% nhưng nhiều mã giảm 25-30%. Một số nhà đầu tư giảm tới hơn 40% do dùng margin. Đa số những người thua lỗ là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, các F0 trên thị trường chứng khoán.
Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào chứng khoán. |
Không ít người bỏ ra vài trăm triệu cho tới một vài tỷ lần đầu tiên tham gia chơi chứng khoán và chứng kiến những khoản lỗ không hề nhỏ trong một thời gian ngắn, chỉ 2-3 tuần vừa qua. Đây là một cú sốc nặng đối với không ít người lần đầu bước vào thị trường.
Trong phiên giao dịch 27/1, hàng loạt cổ phiếu trụ cột đã giảm sâu như Vincom Retail (VRE), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM), FPT, Masan (MSN)… Đà giảm không chỉ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà ở các nhóm ngân hàng, chứng khoán… vốn được đánh giá rất cao.
Cú sụt giảm sâu của hầu hết các cổ phiếu trụ cột trên sàn đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung và dẫn tới áp lực bán mạnh ở cổ phiếu hầu hết các ngành nghề. Cùng với các phiên giảm trước, áp lực call margin đã khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Đại diện một công ty chứng khoán tại Sài Gòn cho biết, những nhà đầu tư F0 mua theo phong trào hoảng sợ và cũng bấm nút bán hàng loạt trước những diễn biến bất ngờ trên thị trường. Thị trường giảm dẫn tới hiện tượng “xả margin”, không ít người thua lỗ 30-40% trong một thời gian rất ngắn, nhất là các nhà đầu tư mới vào thị trường đón đầu một đợt tăng giá mới theo những diễn biến tích cực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cầu bắt đáy cũng rất lớn. Tổng cộng có khoảng 20 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được giao dịch trên 3 sàn chứng khoán trong phiên 27/1. Khối ngoại cũng đã trở lại mua ròng khi thị trường giảm sâu.
Một số thông tin trên thị trường tài chính quốc tế cũng ảnh hưởng tới tâm lý của không ít nhà đầu tư. Trước đó, trên Bloomberg, một số phân tích cho rằng, nhiều thị trường tài sản trên thế giới đang rơi vào tình trạng bong bóng như thị trường chứng khoán, bất động sản, Bitcoin… Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này thậm chí còn rút bớt tiền trên thị trường mở để giảm sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán, khiến cổ phiếu trên nhiều sàn quay đầu giảm.
Trước đó, trong tuần thứ 2 của tháng 1, chứng khoán Trung Quốc cũng giảm mạnh sau khi vượt đỉnh năm 2015. Các nhà đầu tư lo ngại về định giá của những cổ phiếu được ưa chuộng.
Nhiều dự báo tích cực
Diễn biến trên đây trái ngược với dự báo của đa số các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hầu hết đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng chậm hơn so với nhiều thị trường khác cho dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương, ngược với tình trạng suy giảm chung trên thế giới.
Nhiều tập đoàn lớn chọn Việt Nam là điểm đến. |
Đại diện quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, chỉ số VN-Index của chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt xa dự báo của các tổ chức trong nước trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo lên tới 6-7%, thậm chí 8%.
Công ty chứng khoán EVS cho rằng, VN-Index sẽ lên mức 1.300 điểm, thậm chí trong kịch bản lạc quan có thể là 1.400 điểm nhờ sự hồi phục kinh tế nhanh và việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá, vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao…
Theo EVS, kinh tế thế giới sẽ hồi phục mạnh mẽ trở lại sau đại dịch. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ giảm nhiệt nhờ cách tiếp cận mới và cởi mở hơn, giúp thương mại hồi phục mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng trung ương đang duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục bằng 0% hoặc âm nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục và điều này cũng khiến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo EVS, yếu tố thiếu chắc chắn và tâm lý dễ tổn thương của nhà đầu tư mới có thể ảnh hưởng tới thị trường.
Việt Nam vẫn là một điểm đến nổi bật của các nhà đầu tư trên thế giới. Theo Nikkei, Tập đoàn Intel của Mỹ đã rót thêm gần nửa tỷ USD vào Việt Nam.
Việt Nam cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Các công ty từ Samsung Electronics cho tới Pegatron (nhà cung ứng cho Apple) dần dần rời Trung Quốc trong những năm gần đây, giữa lúc chi phí ngày càng tăng và xuất hiện rủi ro thương mại cũng như địa chính trị.
Về diễn biến trong ngắn hạn, theo Vietstock, VN-Index có thể sẽ về ngưỡng 1.000 điểm do thị trường thiếu vắng trụ đỡ, nhất là khi mà phân tích kỹ thuật cho thấy chỉ số đã hình thành những đỉnh mới và đáy mới thấp hơn.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, triển vọng kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước vẫn không có gì thay đổi, vẫn khá tốt. Áp lực call margin khiến thị trường giảm nhanh.