Tại buổi tọa đàm "Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương" vừa tổ chức tại Đăk Lăk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đăk Lăk nói rằng, sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi.
Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, lựa chọn những dịch vụ du lịch thân thiện, gắn liền với loài động vật này như tắm voi; cho voi ăn; hay thậm chí sản phẩm cà phê voi... mang lại cảm giác trải nghiệm mới lạ, an toàn cho du khách.
Động thái này được đưa ra sau khi ngành du lịch Đăk Lăk chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid -19 và liên tục xảy ra những tai nạn liên quan đến voi. Hồi tháng 5, một người đàn ông bất ngờ bị voi nhà quật chết khi đưa voi đi tắm. Hai tháng tháng sau, nữ du khách đang cưỡi voi thì bất ngờ bị ngã, chấn thương.
Sắp tới Đăk Lăk sẽ bỏ dịch vụ cưỡi voi. Ảnh: Trần Hoá.
Du khách cưỡi voi trải nghiệm trên hồ Lăk, cuối năm 2019. Giai đoạn 1980 - 1990, số lượng voi nhà ở Đăk Lăk trên 500 con, nay còn 45 con (tập trung chủ yếu ở huyện Buôn Đôn và Lăk). Ảnh: Trần Hoá
Ngày 20/10, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk cho biết: "Sắp tới chúng tôi sẽ cho 4 con voi của khu bảo tồn thực hiện thí điểm loại hình du lịch mới, sau đó vận động voi của người dân cùng tham gia".
Theo ông Luân, hơn 30 năm qua, voi nhà có ba con mang thai nhưng đều chết lưu trong bụng mẹ, riêng đàn voi hoang dã gần 100 con sinh được bốn con voi con. Nguyên nhân có thể do môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị nhiễm độc, đặc biệt voi bố mẹ bị "bóc lột" làm du lịch...
Đây không phải lần đầu tiên có nơi cấm cưỡi voi. Cuối năm 2019, Công viên khảo cổ Angkor ở Siem Reap, Campuchia tuyên bố cấm cưỡi voi từ đầu năm 2020. Hai trong số 14 con voi ở đền Angkor Wat được chuyển đến khu rừng Bos Thom gần đó. Giới chức địa phương không muốn thấy những con vật này bị khai thác cho các hoạt động du lịch nữa và mong muốn chúng được sống trong môi trường tự nhiên.
Năm 2016, một con voi tên Sambo chết tại Angkor Wat. Cái chết của con voi được cho là do say nắng và kiệt sức vì phải chở khách liên tục. Hai năm sau, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố quần thể voi châu Á đã giảm 50% chỉ trong ba thế hệ.