Bà Nguyễn Thị Dương, chủ một mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1) cho biết, căn nhà 3 tầng mặt tiền đường Lý Tự Trọng của bà có diện tích sàn 105m2. Bà đang rao với giá hơn 57 triệu đồng/tháng nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có người thuê.
Nhiều mặt bằng ở trung tâm TPHCM vẫn chưa tìm được người thuê suốt thời gian dài. Ảnh: Đại Việt |
"Người thuê chỉ cần cọc 3 tháng và trả tiền thuê hàng tháng, hợp đồng từ 2 năm trở lên. Dù điều kiện cũng rất đơn giản nhưng tôi tìm mãi cũng không có người thuê", bà Dương nói.
Mặt bằng to đẹp ở vị trí đắc địa cũng ế khách. Ảnh: Đại Việt |
Còn bà Trần Thị Loan, chủ một mặt bằng "đắc địa" trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1) cho biết, dù ngôi nhà của bà có vị trí rất đẹp nhưng bà cũng không thể tìm được người thuê trong nhiều tháng qua.
"Nhà tôi 3 tầng, diện tích sàn 60m2. Trước dịch Covid-19, tôi cho thuê khoảng 115 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tôi giảm giá xuống còn 80 triệu đồng/tháng nhưng cũng chưa có người thuê", bà Loan nói.
Ông Trần Dũng, chủ một mặt bằng trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1) chia sẻ, ngôi nhà 3 tầng của ông có diện tích sàn lên đến hơn 300m2.
Trước đây, mặt bằng này cho một nhà hàng thuê với giá khoảng 621 triệu đồng/tháng, nhưng dịch bệnh đã khiến chủ nhà hàng trả lại mặt bằng. Ông "loay hoay" với việc tìm người thuê mới.
"Tôi giảm giá mặt bằng xuống còn hơn 80 triệu đồng/tháng nhưng cũng vẫn chưa có người thuê", ông Dũng nói.
Những mặt bằng nằm ở góc hai mặt tiền cũng khó tìm được người thuê trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Đại Việt |
Theo bà Khương Hà Khánh Như, đại diện Colliers International Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả tài chính của vô số doanh nghiệp trong năm 2020 vừa qua. Hàng loạt mặt bằng trên các tuyến phố chính tại TPHCM rơi vào tình trạng không khách thuê từ giữa năm 2020 cho đến nay.
"Chúng tôi nghiên cứu và nhận ra rằng, hiện tại, tâm lý chung của khách thuê đều lo sợ dịch bệnh sẽ phức tạp trở lại nên họ đã cẩn trọng hơn trong việc ra quyết định mở rộng thị phần của mình. Điều này đã làm giảm tốc độ của các giao dịch thuê mặt bằng trong thời gian qua", bà Như nói.
Cũng theo bà Như, một lý do khác có thể kể đến đó là các quận ngoại thành của TPHCM đang ngày một phát triển về mặt đời sống cư dân lẫn hạ tầng nhưng giá thuê mặt bằng lại rẻ hơn nhiều so với trung tâm thành phố. Điều này vô tình đã tạo nên "làn sóng" dịch chuyển của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ra các quận lân cận.
Theo nghiên cứu của Colliers International Việt Nam, bất động sản bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Số lượng mặt bằng bị trả lại cho chủ khá nhiều, không ít các cuộc thương thảo đã diễn ra nhằm mục đích giảm mức giá cho thuê. Do vậy, số lượng mặt bằng cần tìm người thuê mới cũng tăng lên đáng kể.
Trong quý 4/2020, đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến giá thuê mặt bằng trong nước tiếp tục giảm. Đáng chú ý, giá thuê đã giảm trung bình hơn 200.000 đồng/m2 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá tốt.