Từ tháng 4, du khách đến TP HCM và các vùng ven bắt đầu tìm về các nhà vườn trái cây măng cụt ở Lái Thiêu (Bình Dương) để thưởng thức đặc sản gỏi gà măng cụt, món gỏi được coi là "nữ hoàng". Món ăn này không hiếm vì có rất nhiều hàng quán chế biến ngon, nhưng phải đợi đến mùa măng cụt để thưởng thức, thường từ tháng 4 đến tháng 6, mới chuẩn.
Đúng như tên gọi, món gỏi gồm hai thành phần chính là thịt gà đem trộn với măng cụt còn ương, có độ giòn ngọt, chua nhẹ, thêm các nguyên liệu phụ họa như gia vị, hành tây, cà rốt, đậu phộng, hành phi, rau răm... Món thường dọn cùng với một tô cháo nấm rơm nóng, nấu lỏng.
Gỏi gà măng cụt thường chỉ có theo mùa. Ảnh: Vi Yến
Theo các đầu bếp, măng cụt bán ngoài chợ hay siêu thị thường là trái chín, vỏ tím sậm, thịt đã mềm ngọt. Măng cụt trộn gỏi phải là trái vỏ còn xanh hay chuyển vàng nhẹ, lúc đó phần thịt mới có độ giòn, chua ít, ngọt nhiều. Nếu không tìm được trái xanh, vẫn có thể trộn gỏi bằng măng cụt chín, tuy nhiên sẽ không ngon bằng.
Làm gỏi măng cụt công phu nhất là đoạn gọt vỏ trái cây. Măng cụt còn xanh có vỏ cứng và nhiều mủ (nhựa). Đầu bếp phải gọt trái ngay dưới vòi nước và xả liên tục để làm sạch, cách hai có thể ngâm măng cụt trong nước muối và gọt vỏ dần. Măng cụt sau khi gọt vỏ giữ lại phần thịt, cắt lát vừa, không quá mỏng để giữ độ giòn.
Gà làm gỏi thường là gà tre hay gà ta chắc thịt, vị ngọt tự nhiên không bị bở. Gà được luộc chung với gia vị như nước mắm, hành, tiêu, hạt nêm... để thịt thêm đậm đà và có da màu vàng đẹp mắt. Gà xé miếng vừa ăn, trộn với hành tây cắt sợi, cà rốt, thêm nước sốt chua ngọt có độ sánh. Cần chút hành phi, rau răm và đậu phộng để tăng hương vị món ăn.
Gỏi gà măng cụt được phục vụ kèm một tô cháo. Ảnh: Chang Chép
Chị Đồng Ngọc Nhã Phương ở Bình Dương là "khách ruột" của món ăn này, mùa măng cụt năm nay chị đã ăn hai lần và có dự định thưởng thức tiếp. Chị cùng gia đình ghé một quán ăn trên đường Bình Nhâm 81 ở TP Thuận An, gọi một gà ta trộn măng cụt và nướng muối ớt, thêm cháo nấm, tổng 600.000 đồng cho 4 người.
"Mình thích món ăn vì thịt gà tươi ngọt tự nhiên, vị của rau răm và hành tây chỉ nhấn nhá, sốt chua ngọt mặn rất nhẹ, chủ yếu là mùi thơm của măng cụt còn xanh, giòn ngọt, ít chua và không bị chát. Nếu muốn ăn đậm đà hơn, bạn có thể chấm với muối ớt", chị Phương kể.
Khách có thể chọn gỏi trộn gà tre là 500.000 đồng một con hay gà ta 550.000 đồng, ăn kiểu nửa gỏi nửa nướng tính thêm 50.000 đồng tiền công. Chị Phương ấn tượng với gà nướng muối ớt thịt ngọt mềm, không bị khô cứng, gia vị đậm đà. Vị khách cũng lưu ý vào ngày cuối tuần, hàng quán đông người từ sáng đến tối, chị và gia đình chọn đi ngày trong tuần để vắng khách hơn.
Ngoài quán Vườn Măng, quán Chiều Nay trên đường Lê Hồng Phong, TP Thủ Dầu Một cũng là địa chỉ được nhiều người yêu thích. Giá món tầm 490.000 đồng cho phần gỏi một con gà và cháo.