Thị trường Nga đang được định hình lại bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc các thương hiệu nước ngoài rút khỏi quốc gia này. Để giảm thiểu tác động lên nền kinh tế, Nga chuyển hướng thương mại sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh. Moskva cũng đang viết lại các quy định, cho phép quỹ đầu tư quốc gia đổ vốn vào tiền tệ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, do các lệnh trừng phạt khiến họ không thể mua euro và USD.
"Ở đây chỉ có ôtô Trung Quốc thôi, không có gì khác nữa đâu", Vladimir – một lãnh đạo ngành kim loại vừa mua chiếc SUV Tiggo của Chery Automobile cho biết, "Dù vậy, chất lượng xe cũng tốt, danh mục sản phẩm có nhiều lựa chọn".
Cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy Nga tiến gần hơn với châu Á. Quá trình trước đây lẽ ra mất nhiều năm thì đang diễn ra chỉ trong vài tháng. Các thay đổi đang được thực hiện xuyên suốt nền kinh tế, từ ngành ngân hàng đến năng lượng.
Doanh số bán xe của Great Wall Motor và Geely Automobile Holdings khá ổn định trong tháng 7, dù thị trường xe hơi lao dốc tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý trước, 81% xe nhập khẩu mới vào Nga là từ Trung Quốc. Tỷ lệ này tăng so với 28% trong quý I, theo dữ liệu của Avtostat.
Cửa hàng của Xiaomi tại Murmansk (Nga). Ảnh: Xiaomi
Hôm 24/8, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo niềm tin kinh doanh trong ngành xe hơi chuyển tích cực lần đầu kể từ tháng 2. Nguyên nhân là thị trường chuyển từ các hãng sản xuất châu Âu sang châu Á.
Thị trường smartphone cũng quay sang Trung Quốc, khi Apple và Samsung Electronics ngừng giao hàng sang Nga. Dù các sản phẩm này có thể vẫn sẵn hàng trên chợ đen, người tiêu dùng ngại mua vì đắt đỏ hơn và không được bảo hành.
Trong quý II, Xiaomi đã vượt Samsung thành thương hiệu smartphone bán chạy nhất tại Nga. 3 trong 5 thương hiệu hàng đầu ở đây là từ Trung Quốc, theo Mobile TeleSystems – nhà mạng lớn nhất Nga.
"Quá trình tái phân phối đang diễn ra", Alexey Zaitsev – Giám đốc mảng viễn thông tại nền tảng Thương mại điện tử Ozon Holding cho biết. "Nhu cầu smartphone Android từ các thương hiệu Trung Quốc đang tăng lên".
Nhu cầu TV Trung Quốc cũng gần như gấp đôi sau xung đột, do các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc ngừng xuất khẩu sang đây, theo bài đăng tháng trước trên tờ Izvestia.
Tiêu dùng tại đây đang bùng nổ sau khi giảm 10% một tháng trong quý II. Chi tiêu của các hộ gia đình tại Nga đóng góp hơn nửa GDP.
Dù vậy, từ trước xung đột, thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng lên. Trung Quốc đóng góp 25% tổng nhập khẩu của Nga năm ngoái. Dù vậy, mối quan hệ này không đối xứng, khi Nga chỉ đóng góp 2,3% nhập khẩu cho Trung Quốc.
Moskva đang cần nguồn cung hơn bao giờ hết, khi người tiêu dùng nước này đối mặt với tương lai có ít lựa chọn hơn. Tháng trước, Nga mua 6,7 tỷ USD hàng Trung Quốc, tăng hơn 20% so với năm ngoái. Thương mại song phương có thể tăng hơn 30%, lên 190 tỷ USD năm nay, Tass trích lời một quan chức Nga hôm 17/8 cho biết.
Khi Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác thiết yếu, giao dịch đồng nhân dân tệ cũng tăng hơn 40 lần trên thị trường Nga năm nay. Ivan Tchakarov – kinh tế trưởng tại Citigroup nhận định nhân dân tệ "sẽ bắt đầu thống trị thay cho các tiền tệ truyền thống khác".
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc tìm ra cách nhập khẩu hàng Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt, theo Boris Kopeikin – nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Nga. "Tốc độ đang tăng lên. Đến cuối năm, chúng ta sẽ thấy hàng hóa Trung Quốc đa dạng hơn rất nhiều", ông dự báo.