Trong phiên chiều, thị trường chứng khoán chuyển sang trạng thái tiêu cực rất nhanh với đa số cổ phiếu giảm nhanh. Chỉ số VN-Index biến động liên tục, giảm từ 13-18 điểm. Sự hoang mang khiến Vn-Index chốt phiên giảm rất mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch 27/9, chỉ số VN-Index giảm 26,18 điểm (tương đương giảm 1,94%) xuống 1.324,99 điểm. HNX-Index giảm 6,62 điểm xuống 353,01 điểm. Upcom-Index giảm 2,31 điểm xuống 95,76 điểm.
Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm điểm. Bảo Việt giảm 2,300 đồng xuống 56.500 đồng/cp. Masan giảm 7.400 đồng xuống 135.000 đồng/cp. Chứng khoán SSI giảm 1.800 đồng xuống 40.000 đồng/cp. Vinamilk giảm 1.900 đồng xuống 88.800 đồng/cp.
Cổ phiếu “họ Vin” cũng đồng loạt giảm giá.
Nhiều nhóm cổ phiếu nóng trên thị trường cũng giảm mạnh. Nhóm “Louis” đồng loạt giảm mạnh sau nhiều phiên tăng dữ dội.
Tình trạng hoang mang xuất hiện trên thị trường vào cuối phiên chiều 27/9 sau khi cổ phiếu bị bán ra mạnh trên diện rộng. Hành động bán tháo càng khiến thị trường trở nên tiêu cực.
Áp lực bán tăng vọt, VN-Index lao dốc, mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng
Trước đó, thị trường chứng kiến sức cầu bắt đáy tăng mạnh khi VN-Index về gần ngưỡng 1.330 điểm. Đây là ngưỡng hỗ trợ quan trọng và rất mạnh của thị trường trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, sự phục hồi trước ngưỡng này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn trước khi áp lực bán tăng vọt và khiến VN-Index rớt sau xuống dưới 1.330 điểm. Như vậy, chỉ trong một phiên, chỉ số VN-Index đã đánh mất liền 3 ngưỡng hỗ trợ quan trọng: 1.350 điểm, 1.340 điểm và 1.330 điểm.
Cú giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về xu hướng thị trường trong các phiên tới.
Nhóm các nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng. Hôm nay, khối này bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên HOSE. Đà bán ròng của khối ngoại từ đầu tháng 9 tới nay có một phần lớn đến từ các quỹ ETF. Riêng tuần giao dịch 20-24/9, khối ngoại đã bán ròng 822 tỷ đồng trên HoSE, qua đó nâng lượng bán ròng từ đầu tháng 9 tới nay lên hơn 8.500 tỷ đồng.
Biến động chỉ số VN-Index.
Trong phên giao dịch cuối tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước dù chỉ giảm nhẹ nhưng cổ phiếu giảm trên diện rộng và thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng.
Sự thận trọng lên cao cho dù nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào quá trình nền kinh tế mở cửa dần dần trở lại sau làn sóng Covid thứ 4.
Hiện tại, điều mà nhiều nhà quan tâm lý kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III sẽ như thế nào khi mà nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh trong vòng tới 2 tháng. Thị trường cũng chờ đợi kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước liệu có bị âm sau những ảnh hưởng của các giải pháp phòng chống Covid.