Chi phí “không tên” không hề nhỏ
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM về việc làm thế nào để giảm giá nhà, nhằm phù hợp với người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Hiện tại loại căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TPHCM trong hai năm qua. Trong khi đó, loại căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2) mặc dù có sẵn nguồn cung nhưng giá lại cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân.
Một trong những yếu tố được hiệp hội dẫn ra khiến giá nhà tại TPHCM tăng cao chính là chi phí ‘không tên” trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Các khoản chi phí này cộng lại là không hề nhỏ. Tuy nhiên, các khoản chi phí “không tên”, đúng như tên gọi của nó, không đảm bảo “tính hợp pháp, hợp lệ, hợp lý” nên không được chủ đầu tư tính vào chi phí đầu tư cho dự án nhưng lại đưa chi phí này vào giá bán nhà và đương nhiên người mua nhà sẽ phải gánh chịu.
Giải thích về điều này, theo HoREA, Nhà nước cần phải giải quyết được các “điểm nghẽn về thể chế pháp luật” giúp doanh nghiệp “rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, vừa khắc phục được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, vừa góp phần thiết thực kéo giảm giá nhà ở”. Ngay bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải thượng tôn pháp luật, quyết tâm “nói không với tiêu cực”. Như vậy mới mong cắt được các chi phí “không tên”, từ đó giúp giá nhà tại TPHCM giảm.
Nhiều kiến nghị giảm giá nhà
Để giảm giá nhà, HoREA đề cập tới một số kiến nghị , trong đó có đề nghị Ủy ban nhân dân TPHCM ban hành Quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ các thủ tục hành chính.
Quy trình này cần có 4 bước như: (1) Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; (2) Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; (3) Thực hiện song song và nối tiếp liên tục nhiều thủ tục hành chính và (4) Lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, phía Hiệp hội Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh còn đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
“Đề nghị Quốc hội và Chính phủ coi trọng giải quyết “điểm nghẽn về thể chế pháp luật”, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản Luật, Văn bản dưới Luật có liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông, để làm cơ sở xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng”, HoREA nêu rõ.
Việc Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cũng hết sức quan trọng.