Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng hé mở những “sợi dây” liên kết tại Tập đoàn Tiến Phước

08/06/2022 11:00

Lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng được Đầu tư TPI hút về trong năm 2021 đã hé mở một phần mối dây liên kết các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước.

Thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2021, Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước (Tập đoàn Tiến Phước) cùng các thành viên trong hệ sinh thái đã huy động tổng cộng 1.800 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu.

1.800 tỷ đồng trái phiếu chảy về nhóm Tiến Phước

Cụ thể, ngày 25/3/2021 và ngày 6/4/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước lần lượt phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 500 tỷ đồng với cùng mục đích tăng phần vốn góp của tại Công ty TNHH SGS nhằm thực hiện đầu tư/hợp tác đầu tư tại dự án Châu Pha Parkways, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngày 14/5/2021, Tập đoàn Tiến Phước phát hành lô trái phiếu có khối lượng phát hành 300 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư hợp tác phát triển dự án KĐT Cỏ May, dự án Châu Pha tại Bà Rịa Vũng Tàu và các dự án khác của công ty.

Đến ngày 22/9/2021, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI – một thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước phát hành lô trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý rằng, từ lô trái phiếu này đã hé mở phần nào đó tiềm lực của nhóm Tiến Phước – một thương hiệu BĐS lâu đời nhưng khá kín tiếng tại khu vực phía nam.


Nguyễn Thị Mỹ Phương – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước.

Theo tìm hiểu, Đầu tư TPI thành lập vào năm 2017, đóng trụ sở tại lầu 6, tòa nhà Riverbank Place, 3C Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Tại thời điểm mới ra đời, vốn điều lệ Đầu tư TPI đạt 20 tỷ đồng và được sở hữu 100% vốn bởi Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên.

Tháng 2/2020, vốn điều lệ vốn điều lệ Đầu tư TPI đạt 847 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là bà Lê Thị Thu Linh (SN 1978).

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên được thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm bà Lê Hoàng Quế Chi góp 50%, ông Trần Hải Nam góp 40%, ông Phạm Bảo Trung góp 10%.

Tháng 3/2017, bà Lê Hoàng Quế Chi chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên cho bà Lê Thị Thu Linh. Đồng thời, bà Linh giữ chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp. Cơ cấu sở hữu hai cổ đông còn lại gồm ông Trần Hải Nam và ông Phạm Bảo Trung không thay đổi.

Lưu ý rằng, ông Trần Hải Nam hiện đang đảm nhận vai trò giám đốc tài chính tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Phước. Ông Nam cũng là người được bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước ủy quyền thực hiện công bố thông tin các hồ sơ cung cấp cho HNX về các lô trái phiếu phát hành.

Khối nợ khổng lồ của Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên

Đáng nói, dưới sự chèo lái của bà Lê Thị Thu Linh, cả Đầu tư TPI và Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đơn cử, các năm từ 2016 – 2018 Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên không ghi nhận doanh thu, đạt 2,3 tỷ đồng năm 2019, tăng lên 72,4 tỷ đồng vào năm 2020.


Dù doanh thu ghi nhận sự chuyển biến, song lợi nhuận sau thuế Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên lại xuống theo hướng “cắm đầu” qua từng năm. Từ lãi 87,5 triệu đồng năm 2016, doanh nghiệp báo lỗ 14,7 tỷ đồng năm 2017, lỗ 15,1 tỷ đồng năm 2018, lỗ 58,4 triệu đồng năm 2019, và xuống mức 23,4 tỷ đồng năm 2020.

Kết quả kinh doanh "lỗ chồng lỗ" nhiều năm liên tiếp khiến vốn chủ sở hữu doanh nghiệp -3,3 tỷ đồng vào cuối năm 2020, bị ăn mòn đến 38 tỷ đồng tính từ thời điểm năm 2017.

Chưa kể, nợ phải trả đến cuối năm 2020 của Đầu tư và Xây dựng Khang Nguyên cũng phình to lên mức hơn 1.100 tỷ đồng.

Tương tự, kể từ khi thành lập, Đầu tư TPI chưa ghi nhận doanh thu. Song do vẫn hoạt động nên doanh nghiệp báo lỗ sau thuế năm 2017 là -50,7 triệu đồng; -71,6 triệu đồng năm 2018; -156,4 triệu đồng năm 2019 và - 137,1 triệu đồng năm 2020.

Trong khi đó, tháng 1/2019, Đầu tư TPI đã đem 13.600.000 cổ phần thuộc sở hữu của mình do công ty do Công ty CP Tư Vấn Đầu Tư Và Kỹ Thuật Mê Kông phát hành để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại PvcomBank.

Một điểm thú vị nữa rằng, Công ty CP Tư Vấn Đầu Tư Và Kỹ Thuật Mê Kông là doanh nghiệp do ông Trần Hải Nam giữ vai trò Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.


Ngoại trừ năm 2019, Kỹ Thuật Mê Kông ghi nhận doanh thu đột biến khi đạt 130,5 tỷ đồng, các năm năm còn lại ở giai đoạn 2016 – 2020 doanh thu doanh nghiệp đều quanh quẩn quanh ngưỡng 15 – 16 tỷ đồng.

Đi kèm với đó, lợi nhuận không có gì đột biến với năm cao nhất cũng chủ đạt 9,1 tỷ đồng.

Thế nhưng, khoản nợ phải trả Kỹ thuật Mê Koong tính đến cuối năm 2020 lên đến hơn 1.100 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao.

Mối quan hệ nhiều tầng

Quay trở lại với Đầu tư TPI, cập nhật tại ngày 7/9/2017, doanh nghiệp này là cổ đông nắm giữ gần 41% vốn của Công ty CP Tiến Phước và 990 - chủ khách sạn Le Meridien Saigon. Khách tọa lạc tại số 3C Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Ngoài Đầu tư TPI, cơ cấu cổ đông của chủ tòa nhà Le Meridien Saigon bao gồm: CTCP Bất động sản Tiến Phước sở hữu 49,805%, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương sở hữu 9,193%, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh sở hữu 0,049%.

Trước đó, tháng 7/2021, dự án Le Meridien Saigon đã bị Thanh tra chính phủ chỉ rõ, UBND TP.HCM giao đất thực hiện tổ hợp dự án Le Meridien Saigon mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất và sau khi xây dựng xong, dự án này nằm gọn trong tay Tập đoàn Tiến Phước tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP.

Liên quan đến sự việc, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an, UBND TP.HCM rà soát việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định tiến sử dụng đất, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, theo đúng Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan.