Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

'Loạn chưởng' thầy dạy chứng khoán, room chat 'lùa gà'

10/01/2022 13:15

Chứng khoán bùng nổ với số lượng tài khoản kỷ lục khiến nhu cầu tiếp cận thông tin tăng cao, kéo theo đó là sự xuất hiện nhan nhản của nhiều hội nhóm, các khóa học đầu tư vàng thau lẫn lộn.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, anh Sang (32 tuổi, TPHCM) tham gia vào các nhóm chat "phím hàng" trên Zalo đầu tháng 12. Từng phấn khởi khi danh mục đầu tư với các mã như IDI, SJF, TNI lãi vài chục phần trăm chỉ sau vài ngày, nhà đầu tư này hưng phấn và giới thiệu thêm bạn bè cùng tham gia nhóm.

Từ quả ngọt đến trái đắng

Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó, khoản lãi của anh sớm "bốc hơi" khi các cổ phiếu này đảo chiều theo hình cây thông, trắng bên mua. Những ngày sau đó, quản trị viên của nhóm chat vẫn trấn an anh Sang rằng sắp có tin tốt giúp cổ phiếu tăng trở lại. Anh vẫn tin tưởng người quản trị viên nên không bán ra cổ phiếu.

Cuối cùng, khi tài khoản đã báo lỗ hơn 40%, nhóm chat cũng biến mất sau một đêm, anh mới đặt lệnh bán ra. "Họ bảo là họ nắm hơn 50% khối lượng lưu hành trên thị trường của mã đó nên mình cứ tin tưởng mua theo, còn không biết công ty đó là công ty gì", anh Sang cay đắng khi nhìn lại khoản lỗ.


Nội dung một trong những hội nhóm anh Sang tham gia (Ảnh: NVCC).

Chỉ trước đó vài tháng, anh cũng từng "đu đỉnh" cổ phiếu BII và lỗ hơn 150 triệu đồng khi tin theo một nhóm chat khác. "Biết là phải tốn học phí mới rút ra bài học nhưng tôi phải trả giá nhiều lần quá", anh thở dài. 

Dù được bạn bè làm việc ở các công ty chứng khoán lớn khuyến nghị các mã bluechip, anh Sang nhiều lần lắc đầu vì đợi mãi không thấy cổ phiếu tăng giá. Trong khi đó, nhìn thấy nhiều người khoe mức lãi lên tới vài chục phần trăm khi rót tiền mua các cổ phiếu penny chỉ sau vài tuần là động lực để anh tiếp tục tìm đến các hội nhóm.

Trường hợp như anh Sang không phải là cá biệt. Gần đây, chính Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phát đi thông tin cảnh báo chính thức về việc trong thời gian qua xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.

"Không ai bách chiến bách thắng lại đi làm từ thiện"

Anh Khôi, một môi giới làm việc tại một công ty chứng khoán lớn của TPHCM, cho rằng bất kỳ người môi giới nào cũng phải giúp khách hàng đạt hiệu quả đầu tư thì mới có khách và có thể sống với nghề. Theo anh, môi giới để hỗ trợ khách hàng đầu tư phải dựa trên những cổ phiếu có tính chất cơ bản, có câu chuyện riêng, và dựa vào phân tích kỹ thuật mới đưa ra những cổ phiếu tốt và an toàn cho khách hàng.

"Nhưng có một vấn đề là những cổ phiếu tốt và an toàn lại không chạy nhanh như những cổ phiếu đầu cơ, tỷ lệ rủi ro cao, vào bluechip một năm lợi nhuận không bằng một tháng mua cổ phiếu penny. Khách hàng của tôi cũng có lúc mua nhiều cổ phiếu được những nhóm "lùa gà" phím hàng còn họ có tham gia các room đó hay không thì tôi cũng không biết được", anh Khôi tâm sự.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, nhận xét nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chưa có nhiều hiểu biết, cả tin, đôi khi chưa được môi giới chăm sóc tốt nên cần tìm điểm tựa là đối tượng mục tiêu chính của các hội nhóm nói trên. 

Theo ông Phương, đặc điểm chung của các nhóm chat như trên là hô hào mua vào những cổ phiếu nhỏ, thanh khoản thấp, dễ tăng giá khi có nhiều người mua vào. Nhà đầu tư mới vừa tham gia hội nhóm đã thấy có lợi nhuận nên bị kích thích, nghĩ rằng đã tìm được công thức dẫn đến chiến thắng mà không cảnh giác rằng mình đang bị "lùa gà". Người này lại truyền miệng người kia khi thấy cổ phiếu được phím hàng tăng trần, không ai muốn mất phần trong cuộc chơi.


Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của KIS (Ảnh: NVCC).

"Tôi biết có cả những room thu phí cả triệu đồng mỗi tháng. Chưa cần làm gì là những người lập room đã thu được cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhà đầu tư mới nhẹ dạ, cả tin nhưng cũng có những người đã tham gia thị trường dù có kinh nghiệm vẫn bị đánh vào lòng tham", ông Phương chia sẻ.

Với kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường tài chính, ông Trương Hiền Phương nhìn nhận nhiều nhà đầu tư có xu hướng thích nghe những tin đồn, thông tin dạng rỉ tai thay vì thông tin chính thức trên các kênh chính thống. Đây chính là cơ hội để các hội nhóm nói trên thu hút nhà đầu tư.

Ông khẳng định phần lớn các hội nhóm như trên được lập ra không có mục đích tốt đẹp. "Ngay đến cả những người làm nghề chứng khoán nếu cứ mua là thắng, có thể từ 100 triệu đồng làm nên 1 tỷ đồng, 1 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, 10 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng như những người cầm trịch nhóm chat tuyên bố thì còn đi làm công ăn lương làm gì cho mệt", ông Phương nêu quan điểm. 

Chuyên gia chứng khoán này nhấn mạnh không ai có khả năng bách chiến bách thắng trên thị trường lại "ở không đi làm từ thiện" cho người khác như trong những hội nhóm chat. Theo ông, những hội nhóm với mục đích trục lợi sẽ không tồn tại lâu nhưng cũng khó có thể biến mất hẳn khi nhiều nhà đầu tư vẫn còn đó sự ngây thơ, chưa thể chế ngự lòng tham của mình. 

Ông Phan Duy Khánh, CEO Simplize, nền tảng công nghệ hỗ trợ phân tích dữ liệu chứng khoán, nhận định những hội nhóm "lùa gà" đã xuất hiện từ khoảng 3 năm nay và đặc biệt rộ lên trong một năm qua khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng đột biến. 

Thống kê của cơ quan quản lý cho thấy sau 11 tháng đầu năm 2021, có hơn 1,3 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,3 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong 11 tháng đã cao gấp hơn 3 lần con số của cả năm 2020. 

Theo ông, lượng người tham gia đầu tư chứng khoán ngày càng tăng nhanh, nhu cầu tiếp cận thông tin rất lớn là điều kiện giúp các hội nhóm không chính thống nở rộ. Trong khi đó, nhà đầu tư mới gần như chưa có công cụ gì để xác minh độ minh bạch, sự chính xác của những hội nhóm như vậy.

Ông Khánh cho biết, nhiều nhà đầu tư mới chưa hề có trải nghiệm trong việc phân tích hay định giá cổ phiếu, lại nhận được những tư vấn miễn phí trong các hội nhóm, vô tình cổ phiếu lại tăng đúng trong giai đoạn thị trường sôi động sau đó ngộ nhận là đầu tư chứng khoán đơn giản, chỉ cần tìm một mã đang nóng để nhảy vào. Khi nhà đầu tư có cảm giác hưng phấn, việc ra quyết định đầu tư lần kế tiếp lại dựa trên cảm xúc và nếu cổ phiếu rơi từ đỉnh sẽ rất đau đớn.

Khi khắp nơi có "thầy chứng khoán" 

Sau những trải nghiệm thua lỗ nặng nề khi đi theo các nhóm chat, anh Sang bắt đầu mong muốn tìm những khóa học đầu tư để trang bị kiến thức nền tảng. Nhưng việc lựa chọn khóa học cũng không hề dễ dàng với hàng chục lời chào mời quảng cáo khi tìm kiếm thông tin trên Google, mạng xã hội.

"Kể cả thị trường khóa học đầu tư cũng quá hỗn loạn khi có quá nhiều người có nhu cầu tìm hiểu kiến thức. Có nhiều người tôi không chắc liệu họ có đang kiếm tiền được hay không hay tiền bán khóa học còn nhiều hơn tiền họ đi đầu tư", ông Khánh nhận xét.

Theo ông, nguyên tắc của thị trường là tự điều chỉnh, những sản phẩm, dịch vụ không tốt sẽ bị đào thải theo thời gian. Tuy nhiên, đây là quá trình thị trường tự thanh lọc mất nhiều thời gian và nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sẽ nhận lại những "bài học" đau thương. 

Ông Khánh cho rằng để lựa chọn các khóa học đầu tư có tính thực chất, nhà đầu tư cần cơ chế để xác minh người đào tạo có kiến thức, trải nghiệm thực tế trên thị trường hay không. Một số tiêu chí có thể xét đến như người muốn dạy đầu tư chứng khoán cần có các chứng chỉ tài chính như CFA, FRM hay chứng chỉ hành nghề chứng khoán, số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Còn ông Phương dẫn chứng nhiều công ty chứng khoán lớn tổ chức các buổi hội thảo cung cấp kiến thức kết hợp nhận định về triển vọng của một số lĩnh vực nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thu hút được nhà đầu tư dù khâu tổ chức được thực hiện chu đáo, địa điểm đẹp, thậm chí tặng cả quà cho người tham dự. 

Trong khi đó, với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông mạng xã hội, không khó để nhà đầu tư có thể tìm được hàng loạt video, bài viết dạy đầu tư trên YouTube, Google. "Nhiều người có kỹ năng nói tốt thu hút người xem nhưng thực chất không phải dân trong ngành tài chính, chứng khoán. Người nghe đôi khi thấy ai nói đúng ý mình là cho rằng ông đó giỏi", ông Phương nhận xét.

Giám đốc cấp cao của KIS nhận xét, nhiều nhà đầu tư mới thích sự tiện lợi, ngại tiếp cận các khóa học chính thống, kiến thức bài bản có lớp nang mà chỉ muốn thông tin rốt cục là mua hay bán cổ phiếu gì. Ông Phương cho rằng khi nhu cầu quá lớn, hiện tượng các khóa học, dịch vụ tư vấn đầu tư với đủ chất lượng "thượng vàng hạ cám" sẽ tồn tại.

Vì thế, nhà đầu tư phải biết rõ lịch sử học vấn, nghề nghiệp của những người giảng dạy về chứng khoán hay tư vấn đầu tư, người đó liệu có được đào tạo chuyên sâu về tài chính hay có kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính hay không trước khi quyết định bỏ tiền ra để mua dịch vụ. Ông Phương nhấn mạnh những người làm việc nghiêm túc trong ngành tài chính khi đưa ra nhận định đều dựa trên kiến thức, cơ sở rõ ràng chứ không ai chỉ hô hào ba chữ cái như cách nhiều nhà đầu tư đang tiếp cận. 
 

Bạn đang đọc bài viết "'Loạn chưởng' thầy dạy chứng khoán, room chat 'lùa gà'" tại chuyên mục Kinh doanh.