Đất nền là lựa chọn hàng đầu của khách hàng
Nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng đất nền hiện nay vẫn tiếp tục khan hiếm và do không có nhiều dự án mới mở bán, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường gần đây có xu hướng giảm nhiệt.
Kết quả khảo sát củaVietnam Report cho thấy, đất nền được nhiều người lựa chọn nhất với 62,77%; tiếp đến là căn hộ cho thuê (34,89%), chung cư (28,09%), bán lẻ: Shophouse, trung tâm thương mại… (10%), bất động sản khu công nghiệp (12,13%).
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu. Nguồn cung mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm; các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9,…
BĐS công nghiệp lên ngôi
Trong khi thị trường mặt bằng bán lẻ ảm đạm thì bất động sản công nghiệp lại đang có nhiều cơ hội phát triển, nhất là khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các ngành nghề đều chịu thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy một xu hướng đầu tư mới đang dần được hình thành và có thể sẽ bùng nổ trong thời gian sắp tới. Đó là sự xuất hiện của dòng vốn đầu tư ở trong nước cũng như vốn ngoại đổ vào khu chế xuất và khu công nghiệp. Đây có thể coi là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo JLL, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với sở hữu tài sản công nghiệp trong nửa đầu năm 2020.
Theo một số chuyên gia, tháng 8/2020 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, mang lại cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nhiều cơ hội tiếp tục quá trình chuyển đổi từ lĩnh vực sản xuất sang các ngành công nghiệp giá trị cao hơn.
Đây cũng là nguyên nhân gia tăng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để đầu tư; trong đó, có nhiều nhóm nhà đầu tư muốn kinh doanh theo quy mô lớn để trở thành chủ đầu tư của cả khu công nghiệp, với nhu cầu tìm những quỹ đất quy mô từ 500 - 1.000 ha.
Còn theo CBRE Việt Nam, trong hai năm qua, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam ghi nhận những diễn biến tích cực với sự tăng trưởng đáng kể về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở
Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ này đã đạt trên 90%.
Tính đến hết quý 3/2020, số lượng các khu công nghiệp mới chào thuê đất tại khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam rất hạn chế. Theo ghi nhận của CBRE, khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam chào đón 4 khu công nghiệp mới trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 1 khu công nghiệp, tỉnh Long An có 2 khu công nghiệp và Đồng Nai có 1 khu công nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp mới đạt 1.373,8 ha với nguồn cung đất công nghiệp cho thuê dự kiến ở mức 906 ha.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư sang các tỉnh lân cận ngày càng mạnh mẽ
Khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.chm ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh thành khác có lợi thế phát triển kinh tế khoáng sản, công nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch.
Tại miền Bắc, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ tại các tỉnh có sự đầu tư mạnh vào công nghiệp, công nghệ, cơ sở hạ tầng, đô thị như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Trong khi tại khu vực miền Nam, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết… đang là những vùng đất vệ tinh Tp.HCM được các NĐT nhắm tới.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS đang xuất hiện các vùng đất mới, phát triển khá mạnh như Cao Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai cũng được xem là mảnh đất màu mỡ còn tiềm năng khai thác của NĐT.
Công nghệ đang thay đổi cách thức kinh doanh BĐS
Đây cũng được xem là một xu thế đang phát triển khá mạnh trên thị trường BĐS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hiện nay bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, các khách hàng dần tiếp cận các thông tin bất động sản qua mạng và Internet nhiều hơn.
Công nghệ có tác động lớn trong thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid tác động đến ngành BĐS nói chung, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào BĐS. Khi hành vi của khách hàng thay đổi, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nắm bắt được xu hướng này nhằm tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng.
Một số doanh nghiệp BĐS đã thay đổi phương án kinh doanh, triển khai các app bán hàng, sử dụng tin đăng có video, 3D scanning; hay việc môi giới livestream để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng để hỗ trợ đối tác người mua hàng. Bằng ứng dụng công nghệ, khách hàng có thể biết thông tin về dự án, tham quan căn hộ qua thực tế ảo chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh…
Nhiều chủ đầu tư cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng công nghệ, xây dựng những đô thị thông minh, có sẵn hệ thống kiểm soát tự động và hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng sự an toàn và thuận tiện với dân cư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án với mong kiếm được lợi nhuận cao hơn bằng cách giảm dần sự phụ thuộc vào sàn môi giới thông qua thiết lập đội ngũ môi giới riêng hay bán hàng qua các ứng dụng công nghệ.
M&A BĐS tiếp tục sôi động
Khó khăn của thị trường BĐS những tháng đầu năm 2020 đang thúc đẩy hoạt động M&A. Tác động của Covid-19 trong mấy tháng qua đã tạo ra cơ hội mới để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở cuộc săn lùng dự án. Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều những thương vụ sang nhượng quỹ đất quy mô lớn.
Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn, cộng với những thách thức trong năm 2019 khiến nhiều doanh nghiệp không đủ dòng tiền xoay sở, buộc phải tìm cách bán bớt tài sản để xử lý. Trong bối cảnh khó khăn, thị trường BĐS lại hình thành nên một chu kỳ M&A mới. Các ông lớn với nguồn tài chính mạnh đang mạnh tay thâu tóm quỹ đất tạo nên những thương vụ sang nhượng đình đám. Đây cũng là cơ hội để các nhà phát triển BĐS cơ cấu lại dòng sản phẩm phù hợp, tình trạng đầu cơ tích trữ đất đai sẽ trở lại trạng thái cân bằng hơn.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thời gian tới, kênh M&A vẫn tiếp tục gia tăng mạnh do tác động từ kinh tế chung và việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp. Cộng hưởng với việc không bán được sản phẩm do dịch bệnh, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang tìm kiếm, chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án.