Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết nhiều người gặp di chứng ở phổi, với biểu hiện về hô hấp như ho khan, ho đờm, hụt hơi, khó thở dai dẳng kéo dài trong vòng ba tháng sau khỏi Covid. Đông y ghi nhận một số thực phẩm rất hiệu quả trong việc bồi bổ phổi, trị ho, nhất là ở trẻ em, trong đó có rau cải cúc.
Rau cải cúc (còn gọi rau tần ô) là món ăn, vị thuốc quý. Cải cúc vị ngọt, hơi đắng, the, thơm, tính hơi mát, lành, công hiệu chữa trị ho lâu ngày, viêm họng, viêm phế quản, làm tán phong nhiệt, chữa đau mắt...
Trong rau cúc chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như 1,85% protid, 2,57% glucid, 0,43% lipid và nhiều vitamin A, B, C... giúp phòng chữa bệnh do giá lạnh từ trong và ngoài cơ thể, chứng hồi hộp, tim đập mạnh, đánh trống ngực, mất ngủ, tâm phiền bất an.
Tác dụng nổi bật của cải cúc phải kể đến trị cảm cúm, ho, nhất là cho trẻ em. Để trị cảm cúm, bạn lấy 150 g rau cải cúc tươi, rửa sạch, để ráo nước và cho vào tô, sau đó nấu cùng cháo, đổ cháo đang sôi lên trên tô cải cúc, để 5-10 phút rồi trộn rau lên ăn, mỗi ngày cần ăn 2-3 lần, tác dụng giải cảm nhanh, hiệu quả.
Hoặc bạn có thể dùng rau cải cúc 500 g, thịt lợn nạc 100 g, gừng tươi, thịt rửa sạch, thái vừa ăn, rau rửa sạch thái nhỏ, nấu cùng thịt lợn, nêm nếm gia vị vừa ăn, gần chín cho thêm chút gừng đập dập, ăn khi còn nóng.
Ngoài ra, bạn có thể nấu canh phổi lợn với cải cúc để trị ho dai dẳng. Dùng 150 g cải cúc tươi, 200 g phổi lợn, xắt nhỏ phổi lợn, ướp gừng và gia vị, xào chín rồi cho nước vào đun sôi. Tiếp theo, bạn cho cải cúc vào, rau vừa chín tắt bếp ngay. Mọi người nên ăn lúc canh còn nóng, mỗi ngày một lần, ăn liên tục trong 3-4 ngày.
Riêng với trẻ em trên một tuổi, lấy 6 g cải cúc, xắt nhỏ, thêm mật ong, đem chưng, uống nhiều lần trong ngày, trị ho hiệu quả. Hoặc 6 g lá cải cúc thái nhỏ, cho vào chén con, thêm ít đường trắng, đặt trong nồi cơm hấp cho tiết nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Để chữa tiêu chảy, dùng 200 g rau cải cúc tươi nấu canh ăn hàng ngày, liên tục trong 3-5 ngày có tác dụng làm ấm tỳ vị, hiệu quả trong điều trị đi ngoài phân lỏng hay tiêu chảy liên tục.
Rau cải cúc nhiều công dụng trị ho, thanh phổi. Ảnh: Serious Eats
Theo bác sĩ Hải, cải cúc rất giàu sắt và canxi, giúp cơ thể sản xuất ra máu mới và tăng độ dẻo dai của xương. Do đó, loại rau này rất tốt cho người già để ngăn ngừa thiếu máu và bệnh loãng xương.
Bên cạnh đó, rau còn bổ sung các vitamin cần thiết cho quá trình tạo máu như axit folic và đồng nguyên tố vi lượng, ngăn ngừa thiếu máu, nên được bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ em trong giai đoạn phát triển.
Ngoài ra, các bệnh nhân hậu Covid-19 thường than phiền đau nhức mỏi xương khớp, cảm giác buồn bực tay chân, mỏi mệt, không muốn vận động cũng có thể sử dụng loại rau này để cải thiện triệu chứng.
Rau cải cúc còn tác dụng thanh phổi do giàu vitamin A, vì vậy đông y thường xuyên đưa loại rau này vào thực đơn hàng ngày, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hệ thống hô hấp, thanh phổi, tiêu đờm. Hương thơm rau còn giúp giảm ho, giảm hen suyễn.
Ngoài các công dụng trên, cải cúc còn có tác dụng trị đau đầu. Lấy cả cây cải cúc đem nấu chín, mỗi ngày uống chừng 30 g nước đã nấu này, kết hợp với việc dùng lá cải cúc khô hơ nóng trên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ hay bất cứ khi nào bạn thấy nhức đầu.