Với hơn 1,34 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PLX sẽ chi gần 942 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang là cổ đông lớn nhất PLX với gần 982 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 75,87%, tương ứng sẽ nhận về khoảng 687 tỷ đồng cổ tức từ PLX.
Petrolimex (PLX) sắp chi hơn 940 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả khi nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới không chịu tác động bất thường như khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022. Đồng thời nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.
Petrolimes đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến gấp 5 lần cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần giảm hơn 12% xuống 133.182 tỷ đồng. Dù vậy chi phí giá vốn giảm mạnh hơn cộng thêm doanh thu tài chính tăng 29% giúp lợi nhuận trước thuế cao gấp 6 lần cùng kỳ năm 2022 lên 1.902 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng gấp 5 lần lên gần 1.559 tỷ đồng. Petrolimex cũng là doanh nghiệp duy nhất trên sàn vượt trăm nghìn tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm.
Năm 2023, Petrolimex lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm trước và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.228 tỷ, tăng 42%. Như vậy sau nửa đầu năm, Petrolimex đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 59% mục tiêu lãi cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Petrolimex đạt 79.712 tỷ đồng, tăng 5.236 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó 15.595 tỷ đồng hàng tồn kho, trích lập dự phòng khoảng 79 tỷ đồng. Đồng thời, lượng tiền và tương đương tiền khoảng 16.148 tỷ đồng và gần 11.019 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả ghi nhận 51.779 tỷ đồng, tăng hơn 5.086 tỷ so với đầu năm, phải trả người bán chiếm tỷ trọng cao nhất với giá trị ghi nhận 21.826 tỷ và vay nợ ngắn hạn 17.339 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 27.933 tỷ đồng, trong đó gần 2.793 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế.
Trong báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra một số triển vọng PLX trong thời gian tới như: Chính Phủ giảm thuế nhập khẩu và tăng chi phí kinh doanh định mức khi tính giá bán cơ sở xăng dầu; Nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không còn nhiều rủi ro gián đoạn bất ngờ như cùng kỳ năm 2022; Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2023 là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu Jet A1; Thoái vốn thành công tại PGBank giúp nâng cao năng lực tài chính của công ty; Kế hoạch đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giao thông sẽ là động lực dẫn dắt chính cho mảng kinh doanh hóa dầu trong năm 2023; Gia tăng kinh doanh các hoạt động phi xăng dầu trên mỗi cửa hàng xăng dầu.
VCBS cho rằng, PLX vẫn là cổ phiếu có cơ bản tốt được lựa chọn nhóm ngành xăng dầu và chúng tôi vẫn đánh giá triển vọng khả quan khi nguồn cung xăng dầu ổn định và thay đổi trong công thức điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức được điều chỉnh tăng sẽ hỗ trợ tăng lợi nhuận trên mỗi lít xăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp PLX trong năm 2023.
VCBS dự báo biên lợi nhuận của Petrolimex có thể được cải thiện nhờ biến động tích cực của giá dầu (90% nguyên liệu đầu vào biến động theo giá dầu). Doanh thu dự phóng Petrolimex có thể ghi nhận 247.743 tỷ đồng và 4.013 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Trên thị trường, kết phiên 12/9, cổ phiếu PLX tăng nhẹ 0,4% lên mức 40.000 đồng/cp (vùng sideway từ tháng 5/2022 đến nay). Thanh khoản cổ phiếu liên tục suy giảm trong 3 tuần trở lại đây. Tuy nhiên, dòng tiền lớn đã rục rịch quay trở lại và RSI cũng được kéo mạnh lên sát 60 điểm sau khi chạm vùng quá bán (phiên 18/8).
Xu hướng tích cực trung hạn của PLX vẫn được bảo lưu, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng khi giá vượt 40.2x đồng, kháng cự gần nhất là mốc 42.000 đồng/cp.