Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sức hút của bất động sản nghỉ dưỡng và những rủi ro tiềm ẩn

09/12/2020 10:12

Dự án bất động sản mọc lên như nấm sau mưa tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một TP nhỏ nhưng có đến hơn 30 dự án đang chào bán. Ngoài sự đổ bộ ào ạt của những ông lớn BĐS thì các nhà đầu tư phát triển nhỏ lẻ cũng tìm đến thị trường màu mỡ này. Phân khúc này có sức hấp dẫn lớn khi cam kết sinh lời cao và bảo toàn vốn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro không hề nhỏ khi đầu tư vào loại hình mới mẻ này.

suc hut cua bat dong san nghi duong va nhung rui ro tiem an
Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện đã được chủ đầu tư mở bán

Hấp dẫn và rủi ro khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng

Hiện nay nhiều dự án chào bán rầm rộ nhưng lại chưa đi vào hoạt động nên bản thân người mua hay nhà đầu tư thứ cấp không lường trước được những bất trắc trong quá trình thi công. Với kỹ thuật và cả “kỹ xảo”, ngày nay các chủ đầu tư dễ dàng tạo dựng nên những hình ảnh lung linh cùng những lời quảng cáo hoa mỹ. Khách hàng thường mua các sản phẩm qua hình ảnh quảng cáo mà chưa nhìn nhận hết về loại hình đầu tư, dòng sản phẩm mà mình mua.

Thực tế đã có rất nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng đình đám vỡ trận, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người mua. Nói đến vấn đề này, có thể đơn cử một trường hợp như “dự án” Sun Valley hay Kyoto Retreat của Khải Hưng Corp tại Bảo Lộc: Dự án được vẽ ra lộng lẫy hoành tráng, chào bán rầm rộ. Thế nhưng khi hỏi đến thì ngay cả chủ đầu tư cũng giải thích rằng đó “không phải là dự án” và lý giải quanh co bằng rất nhiều lý do.

suc hut cua bat dong san nghi duong va nhung rui ro tiem an
Sun Valley Bảo Lộc được vẽ ra rất hoành tráng, nhưng chủ đầu tư lại cho rằng đây không phải là "dự án"

Đây là một vấn đề mà khách hàng cần cân nhắc kỹ vì về mặt pháp lý, các thuật ngữ về BĐS nghỉ dưỡng hay Condotel vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng, và cũng chưa có các khung pháp lý chuyên biệt. Nếu dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ mở ra những cơ hội đầu tư, tuy nhiên nếu có bất kỳ trục trặc nào thì quyền lợi của khách hàng rất khó được bảo vệ.

suc hut cua bat dong san nghi duong va nhung rui ro tiem an
Dự án Tokyo Retreat rất lung linh trên... giấy

Lại nói về vấn đề pháp lý, đa số CĐT hiện nay cam kết mức lợi nhuận 8 – 10%/năm cho dự án đầu tư. Thế nhưng, trong trường hợp CĐT không thực hiện nghĩa vụ cam kết với khách mua thì không có các biện pháp xử lý cụ thể. Đây là thiệt thòi cơ bản nhất khi đầu tư vào những dự án kém chất lượng, hay chủ đầu tư không uy tín.

Mặc dù BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh trong 3 năm qua nhưng vẫn còn mới mẻ, chưa có nhiều người tham gia. Ngoài ra, loại hình này còn gặp nhiều ảnh hưởng khác khó có thể kiểm soát như thiên tai, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên bất ổn v.v... Đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất, lượng du khách biến động thì thị trường nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

So với các kênh đầu tư khác thì tính thanh khoản của BĐS nghỉ dưỡng cũng chưa thực sự hấp dẫn. Đặc biệt, đầu ra của phân khúc nghỉ dưỡng cũng khó khăn hơn các loại hình đầu tư khác. Nếu chỉ nhìn vào các con số quảng bá và kỳ vọng lợi nhuận thì khách hàng sẽ dễ bị thất vọng. Vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng cũng là một bài toán đầy rủi ro.

Khi đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng khách hàng còn phải tính toán đến các yếu tố khác. Trong thực tế cho dù dực án có đẹp nhưng nếu có những bất lợi về vị trí địa lý hoặc cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội… thì cũng khó có thể sinh lời.

Với loại hình BĐS nghỉ dưỡng thì rủi ro của chúng đến từ rất nhiều yếu tố. Mỗi một yếu tố tác động trực tiếp tới hiệu quả đầu tư BĐS nghỉ dưỡng dù ít hay nhiều. Khi xác định được rủi ro thì đâu là những giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra? Cách tốt nhất để kiểm soát là hiểu rõ, hiểu đúng về sản phẩm để chủ động kiểm soát chúng, đưa ra quyết định chính xác.

Ngọc Lan