Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa năm 2020, toàn thị trường có hơn 93,658 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân với số dư hơn 523.809 tỷ đồng. So với đầu năm, đã có 5,155 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân được mở mới với số dư tăng thêm hơn 24.000 tỷ đồng.
Việc số lượng tài khoản tăng nhanh cho thấy nhu cầu mở mới, sử dụng dịch vụ ngân hàng đang ngày càng cao. Khách hàng cần lưu ý một số vấn đề trước khi chọn ngân hàng mở tài khoản.
Giao dịch tiện lợi
Với nhiều người bận rộn, việc phải tới phòng giao dịch ngân hàng trong giờ hành chính để thực hiện các thủ tục mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm… sẽ gây ra một số khó khăn nhất định. Do đó, khi mở tài khoản, khách hàng có thể lựa chọn những ngân hàng có cung cấp các dịch vụ giao dịch linh hoạt về thời gian, giao dịch tiện lợi để được hỗ trợ tốt nhất.
Tại Việt Nam, hiện có một số ngân hàng giao dịch trong cả giờ nghỉ trưa, hoặc phát triển những hệ thống ngân hàng tự động giúp cho khách hàng có thể thực hiện giao dịch ở bất kỳ lúc nào, mà không phải lo thu xếp công việc trong giờ hành chính hay xếp hàng chờ đợi tốn thời gian.
Phát triển ứng dụng trên internet và điện thoại giúp các ngân hàng xóa bỏ được giới hạn về khoảng cách và thời gian giao dịch so với phòng giao dịch truyền thống. Ảnh: Châu Giang. |
Đơn cử là hệ thống LiveBank của TPBank. Đại diện ngân hàng cho biết, LiveBank là hệ thống ngân hàng tự động duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại có khả năng cung cấp gần như toàn bộ dịch vụ ngân hàng như một phòng giao dịch truyền thống, đồng thời ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học trong các giao dịch như gửi và rút tiền, gửi tiết kiệm, đăng ký mở tài khoản và lấy ngay thẻ ATM, chuyển tiền và truy vấn tài khoản.
Việc ứng dụng công nghệ giúp LiveBank có thể nhận diện được khách hàng qua khuôn mặt và vân tay mà không cần thẻ hay giấy tờ gì. Chính vì vậy, ngoài sự linh hoạt về thời gian, loại bỏ những phiền phức phải xếp hàng chờ đợi tới lượt giao dịch, khách hàng cũng không phải lo quên giấy tờ, quên thẻ khi giao dịch với LiveBank.
Ưu tiên công nghệ
Tại Việt Nam, tài khoản thanh toán của các ngân hàng đều có chức năng giống nhau là nhận và chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, kết nối thẻ… Vì vậy, khi lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản, các tiêu chí thường được hướng tới là chất lượng dịch vụ, hỗ trợ 24/7 và mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch.
Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển ngân hàng số, các giao dịch hầu hết được sử dụng trên di động và Internet nên việc lựa chọn ngân hàng có hệ thống công nghệ hiện đại được ưu tiên so với ngân hàng chỉ có phòng giao dịch truyền thống.
Hiện tại, một số ngân hàng cũng tập trung vào việc phát triển ngân hàng số và ngân hàng điện tử với ưu tiên khuyến khích khách hàng thực hiện các giao dịch online, thanh toán không tiền mặt.
Ưu điểm của ngân hàng số là bỏ qua giới hạn về không gian và thời gian so với phòng giao dịch, chi nhánh vật lý thông thường. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại hoặc Internet trong 1-2 phút đã có thể thực hiện mọi giao dịch ngân hàng như thanh toán, nộp/chuyển tiền, vay, gửi tiết kiệm, quản lý tài khoản, thẻ…
Ngoài ra, các giao dịch qua ngân hàng số, ngân hàng điện tử cũng có tốc độ xử lý nhanh hơn. Nhằm khuyến khích và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng, các ngân hàng đều có các chính sách giảm hoặc miễn phí nhiều dịch vụ phổ biến như chuyển tiền, rút tiền ATM, duy trì tài khoản… Tại một số ngân hàng, thanh toán trực tuyến còn kèm nhiều ưu đãi.
Trong đó, TPBank là một trong những ngân hàng rất đầu tư công nghệ cho các sản phẩm ngân hàng số. App của ngân hàng này có những tiện ích đặc biệt như Smart Search cho phép người dùng tìm kiếm tính năng và dữ liệu tài khoản trên app bằng giọng nói. Công nghệ AI và Big Data được áp dụng hoạt động như một trợ lý tài chính ảo thống kê được các khoản thu chi của khách hàng và đưa ra những gợi ý chi tiêu hợp lý nhất cho khách hàng. Các giao dịch trực tuyến qua app cũng rất mượt mà và nhanh chóng.
Chi phí mở và duy trì tài khoản
Yếu tố tiếp theo cần chú ý khi chọn ngân hàng mở thẻ chính là phí giao dịch. Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều thu 6 loại phí với tài khoản ngân hàng bao gồm phí duy trì tài khoản; phí thường niên; phí quản lý tài khoản; phí chuyển, rút tiền; phí giao dịch ở nước ngoài; và phí in sao kê.
Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có chiến lược khác nhau nên mức phí áp dụng với các dịch vụ cũng khác nhau.
Phí duy trì tài khoản là số dư tối thiểu để khách có thể sử dụng tài khoản. Phí này thường được tính vào cuối tháng và thu khi số tiền trong tài khoản dưới hạn mức quy định. Số này dao động trong khoảng 5.000-15.000 đồng với các ngân hàng nội địa và vài trăm nghìn đồng với các ngân hàng vốn nước ngoài.
Phí thường niên là loại phí bắt buộc để duy trì tài khoản thẻ, hiện hầu hết ngân hàng áp dụng khoảng 50.000-100.000 đồng với thẻ ghi nợ nội địa và 100.000-500.000 đồng/năm với thẻ thanh toán quốc tế Mastercard/Visa. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng thu phí với các dịch vụ SMS banking và Mobile banking/Internet banking; chuyển, rút tiền…
Một số ngân hàng hiện nay áp dụng miễn nhiều loại phí thanh toán, chuyển/rút tiền để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ. Ảnh: Hải Yến. |
Tuy nhiên, có một số ngân hàng miễn hoàn toàn các loại phí này để khuyến khích khách mở và sử dụng tài khoản, thẻ.
Tính an toàn và bảo mật
Dù hoạt động độc lập và cạnh tranh với nhau, các ngân hàng Việt Nam hiện nay đều chịu sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan giám sát liên quan.
Vì vậy, các ngân hàng phải tuân thủ quy định về an ninh, an toàn hệ thống. Vấn đề bảo mật cũng luôn được các ngân hàng coi trọng và là vấn đề khách hàng quan tâm nhất khi chọn mở tài khoản.
Hiện tại, đa số ngân hàng quản lý tài khoản của khách qua thông tin cá nhân, chữ ký mẫu và áp dụng phương thức bảo mật tài khoản thông qua user/password (tên đăng nhập/mật khẩu), SMS OTP, Smart OTP.
Hiện tại, khoảng 10 ngân hàng thương mại thí điểm áp dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử) trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro. Phương thức eKYC có độ an toàn hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn so với xác thực gặp mặt truyền thống.