Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook lan truyền thông tin về một giao dịch lớn liên quan đến lan đột biến (hay còn gọi lan Var) ở vườn lan Đất Mỏ (Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh).
Tổng giá trị giao dịch này là 288,5 tỉ đồng, trong đó có một cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỉ đồng, một lá non Pleiku giá 20,5 tỉ đồng và hai lá non Cờ đỏ giá 18 tỉ đồng.
Cây năm cánh trắng Khổng Tước của nhóm Hội Hoa Lan Tam Đảo bán với giá gần 50 tỉ đồng. Ảnh: FBNĐ
Tiền từ đâu mà nhiều thế?
Trước đó, vào khoảng cuối năm 2020, anh Nguyễn Chính đã rao bán cây lan Bướm Đại Ngàn với giá 100 tỉ đồng trên facebook. Cùng thời điểm này cũng xuất hiện chậu giả hạc đột biến có tên Juliet với độ dài chừng 50 cm, được cho là đã chuyển nhượng với mức giá 83 tỉ đồng.
Nhiều người đặt ra tại sao có nhiều người chơi Lan var và tại sao họ sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng, thậm chí cả chục tỉ đồng cho một kie (cây nhỏ) lan vài cm? Vậy những cuộc giao dịch này có thật hay không? Ai sẽ định giá được giá trị thực của dòng Lan đột biến này?
Theo những nhà vườn trồng và kinh doanh lan var, năm 2020 do tác động của dịch COVID19, nhiều ngành bị đình trệ sản xuất kinh doanh, kênh đầu tư và dòng tiền bị đứt gãy. Từ đó dẫn tới nhiều dòng vốn từ các ngành khác chuyển sang đầu tư vào hoa lan var. Chính điều này đã làm xuất hiện những thương vụ giao dịch lớn với số tiền lên hàng vài chục tỉ đồng.
Những cuộc giao dịch vài chục tỉ chủ yếu là các nhà vườn đầu tư để “đánh bóng” tên tuổi của mình. Họ đã thu lợi một số tiền lớn từ việc bán lan nên sẵn sàng chi tiền để sở hữu dòng lan đột biến qúy hiếm hơn nhằm nhân giống, làm kinh tế sau này.
“Nhiều người cho rằng chơi lan đột biến hiện nay theo hơi hướng của một dạng đa cấp, phân tầng. Tuy nhiên chúng tôi không dụ dỗ ai, gạ gẫm hay lôi kéo ai mà thực tế thời gian gần đây dòng Lan đột biến cho lợi nhuận cao nên nhiều người đầu tư" - anh H., chủ một vườn lan đột biến ở Đồng Nai cho biết.
Những chủ vườn Lan đột biến muốn khẳng định "vị trí" trong giới chơi lan thì cần sở hữu những loại có tên tuổi với giá trị vài tỉ đồng một kie như: Cờ Đỏ, Bảo Duy, Kiều Chi, Vĩnh Khang, Khổng Tước, Người Đẹp Bình Dương, Hồng Phú Quốc...
Chính vì điều này mà những nhà vườn sẵn sàng bỏ ra số tiền cả chục tỉ để sở hữu những dòng quý hiếm để về chăm, nhân giống rồi bán.
"Đó là câu trả lời vì sao có những cuộc giao dịch hàng chục tỉ đồng cho một chậu lan đột biến" - một chủ vườn lan Var ở Bình Phước nói.
Mặt bông năm cánh trắng Bạch Tuyết đang được giới chơi lan var sở hữu nhiều.
Lan var bị 'thổi giá' phụ thuộc 'ông trùm'
Trao đổi với PV, một chủ vườn lan var tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết giá trị của dòng lan var phụ thuộc vào mặt hoa để thẩm định độ đẹp, độ hiếm và đặc biệt phụ thuộc vào chính các "ông trùm" làm giá thị trường.
Ngoài ra, vì không định lượng được như những vật cổ, chim đột biến, sim số, xe cổ... nên việc cứ “ưng mắt là mua” đã khiến giá Lan đột biến nhảy múa hàng ngày.
Trong giới chơi lan hầu như đều biết đến những "ông trùm" lan var có tiếng như Vườn Lan Hai Beo (TP.HCM), Xuân Bình Phước (Bình Phước), Nguyễn Tấn Sơn (Bình Dương), CLB lan Var Trà Đá (TP.HCM), CLB Hoa Lan Đất Thủ, Resort hoa lan Chính Trương (Hà Nội), CLB Lan Var Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...
"Chỉ cần vài một dòng status tìm mua hay bán cây của những ông trùm nổi tiếng chơi lan var này thì giới chơi lan sẽ cảm nhận được sắp có cuộc làm giá dòng cây đó. Như mới đây anh Xuân Bình Phước chỉ khen mặt bông nở của cây năm cánh trắng Thảo Nguyên 2 thì giá cây này được đẩy từ vài chục triệu lên hàng trăm triệu một kie..." - anh Tuấn, chủ vườn lan ở TP Biên Hòa chia sẻ.
Bên cạnh đó, những người chơi lan var đều nhận được tâm lý "đám đông" khi những cây được quan tâm thì sẽ đi tìm mua nhiều. Chính vì vậy việc làm giá của cây lan cũng sẽ bị thổi lên từng ngày, có lúc dân chơi lan còn cảm thấy bị mất kiểm soát về giá.
"Ví dụ như một kie (cây nhỏ) 5 cánh trắng Bạch Tuyết bằng giờ năm ngoái có giá 50-60 triệu đồng nhưng đến nay muốn sở hữu thì giá đã cao gấp 10 lần. Hoặc một kie Bảo Duy năm ngoái khoảng 1,5 tỉ thì nay có giá 4-5 tỉ đồng...” - chủ vườn cho biết thêm.
Theo anh QD, chủ một vườn lan chuyên về dòng đột biến có tiếng ở Bình Dương, giá trị thực của dòng lan đột biến “không ai định lượng được mà phụ thuộc vào thị trường cung cầu”. Ngoài ra, giá trị của dòng lan đột biến cũng bị một nhóm “lướt sóng” (dân buôn) đẩy giá khiến giá trị của cây bị đẩy lên và rất khó kiểm soát.
"Một kie Bạch Tuyết khoảng 5 cm được nhà vườn bán cho người buôn với giá 500 triệu. Sau đó người buôn này bán kie đó được 600 triệu thì người mua sau phải bán 700 triệu... Vì vậy giá cây Lan cứ thế đẩy lên từng ngày” - anh QD khẳng định.
Chính những điều này đã khiến không ít người nghi ngờ những thương vụ mua bán lan bạc tỉ chỉ là chiêu thổi giá của dân buôn, tạo sự hấp dẫn giả tạo nhằm thu hút số lượng lớn người mới chơi lan vào vòng xoáy làm giàu nhanh.
Khi một số cây lan var "cầu đã đủ" thì lượng giao dịch, người chơi sẽ "quên" và giá trị dần giảm xuống một cách nhanh chóng. Những người mua cây sau không bán kịp sẽ phải "ôm" chờ thời.
Theo những người chơi hoa lan có thâm niên, giá trị hoa lan đột biến đang được định giá tự do, không có căn cứ. Hiện có những kie lan var dài bằng ngón tay có giá cả chục tỉ đồng đang được rao bán như: Ngọc Sơn Cước, Cờ Đỏ, Vô Thương, Vĩnh Khang.... Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng hoa lan diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa hai bên mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng hay sự quản lý của cơ quan chức năng.
“Người mua bỏ ra số tiền vài tỉ để mua cây lan var thì họ sẽ tìm hiểu nguồn gốc của cây. Bên cạnh đó giới chơi lan có luật riêng, nếu bán sai cây thì sau này sẽ đền cây theo giá trị trường khi phát hiện sai cây, do đó cũng không dễ có sự lừa đảo. Tuy nhiên vẫn xảy ra những vụ sai cây số tiền hàng tỉ do sự tin tưởng nhau khi mua” - anh Tuấn, một người chơi lan đột biến ở Bình Dương cho biết.
Những người chơi lan var lâu năm đều khẳng định thông tin cho rằng có nhóm người "rửa tiền" trong những cuộc giao mua bán lan var hàng chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ là chưa thấy. Tuy nhiên để dư luận rõ hơn thì cần cơ quan chức năng vào cuộc.