Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo CNBC, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Singapore DBS, ông Piyush Gupta, cho biết các ngân hàng toàn cầu sẽ phải đối mặt với hai rủi ro lớn trong năm tới là tình hình vỡ nợ gia tăng và lãi suất cực thấp.
Ông cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ trên khắp thế giới có thể đã làm giảm bớt thiệt hại kinh tế của đại dịch nhưng nó cũng đã "che đậy qui mô thực" của các vấn đề mà các công ty và hộ gia đình phải đối mặt. Và những vấn đề đó sẽ xuất hiện khi các biện pháp hỗ trợ được thu hồi.
Ông Piyush Gupta, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Singapore DBS (Ảnh: Bloomberg) |
Đó không phải là lần đầu tiên ông Gupta cảnh báo về tỉ lệ vỡ nợ tăng trên toàn cầu. Ông cho biết DBS, cũng giống như nhiều ngân hàng trên toàn cầu, trong vài tháng qua đã phải tăng dự trữ để đề phòng các khoản cho vay có khả năng bị mất.
Theo báo cáo tài chính quí III, DBS đã trích ra 2,49 tỉ SGD (khoảng 1,87 tỉ USD) dự phòng trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 4 lần số tiền cùng kì năm trước.
Vị CEO này cũng cho biết các ngân hàng sẽ tiếp tục vật lộn với việc tăng biên lợi nhuận trong hoạt động cho vay của họ do mức lãi suất thấp có thể được duy trì trong thời gian dài trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế trong quí III và khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể giúp bù đắp những rủi ro từ tỷ giá thấp.
Ông Gupta chỉ ra rằng hoạt động ở các nền kinh tế Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan gần như đã trở lại mức trước COVID-19.
Tại thị trường "sân nhà" của mình là Singapore, ông Gupta cho biết DBS vẫn có thể tăng thị phần của mình ngay cả khi bối cảnh ngân hàng bắt đầu rung chuyển với sự gia nhập của các ngân hàng kĩ thuật số mới. Ông cho biết thêm rằng doanh thu ở Singapore đã tăng lên ở mức cao.