Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng, chứng thực?

27/10/2020 11:00

Thuê và cho thuê nhà là một trong số những giao dịch phổ biến hiện nay, kéo theo đó là việc hợp đồng thuê nhà được sử dụng thường xuyên. Vậy hợp đồng thuê nhà có cần công chứng để có giá trị pháp lý hay không?


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

 

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng, chứng thực?
Hợp đồng thuê nhà thuộc hợp đồng thuê tài sản, được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê nhà.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 472, Bộ luật Dân sự 2015).

Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà, theo đó, vấn đề này được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Đối chiếu với Khoản 2, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 với trường hợp; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Như vậy, hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực mà tùy thuộc vào nhu cầu của các bên.

Hợp đồng thuê nhà không công chứng có gặp rủi ro không?

Như đã trình bày ở trên, hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, do đó, giá trị pháp lý của hợp đồng thuê nhà không phụ thuộc vào việc hợp đồng có được công chứng, chứng thực hay không. Dù các bên chỉ ký kết hợp đồng mà không có nhu cầu công chứng, chứng thực thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, các bên nên cân nhắc việc công chứng, chứng thực, nhất là với những hợp đồng thuê nhà có giá trị lớn.

Hợp đồng thuê nhà có công chứng, chứng thực sẽ có giá trị pháp lý tốt hơn, hạn chế được rủi ro, tranh chấp xảy ra cho các bên. Đặc biệt, hợp đồng thuê nhà được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng này không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Do đó, dù pháp luật cho phép các bên có quyền lựa chọn công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà hoặc không, nhưng để tránh rủi ro các bên nên cân nhắc việc công chứng, nhất là với những hợp đồng có giá trị lớn.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro khi không công chứng hợp đồng thuê nhà, bên thuê nên yêu cầu bên cho thuê xem giấy tờ nhà, đất để xác định chủ quyền của họ. Nếu họ không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì yêu cầu họ cung cấp giấy hoặc hợp đồng ủy quyền để xem nội dung ủy quyền của người sẽ ký hợp đồng.

 

Khánh Diệp
Bạn đang đọc bài viết "Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng, chứng thực?" tại chuyên mục Bất động sản.