Nghị định 123/2020/NĐ-CP bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hoá đơn điện tử.
Nội dung bãi bỏ bao gồm “Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020.
Một quy định khác của 119/2018/NĐ-CP là “Kể từ ngày 01/11/2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5 /2010 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành”.
Các Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.
Như vậy từ ngày 01/11/2020 không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế mà chỉ khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.
Do có quy định khác nhau về thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử giữa Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 119/2018/NĐ-CP được quy định chi tiết bởi Thông tư 68/2019/TT-BTC, liệu doanh nghiệp có phải hủy hóa đơn giấy trước ngày 01/11/2020 khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP?
Khoản 1 Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về điều khoản chuyển tiếp “Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này được ban hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày Nghị định này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP…”
Trường hợp từ ngày Nghị định này được ban hành đến ngày 30/6/2022 mà cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này hoặc Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng…"
Ngoài ra, Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ 19/10/2020 đến 30/6/2022, khoản 2 Điều 60 Nghị định này cũng quy định rõ, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Nếu chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Liên quan đến hoạt động quản lý thuế, từ ngày 05/12/2020 sẽ có 05 trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Theo đó, cơ quan thuế không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp: Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định tại Điều 9 Nghị định 125/2020; Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định 125/2020 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Cá nhân vi phạm đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 41 Nghị định 125/2020. Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 125/2020; Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là quy định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hôm 19/10/2020
Quy định mới nhất sẽ có hiệu lực từ 05/12/2020, trong thời gian người nộp thuế (NNT) tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 có nhiều nội dung liên quan đến người nộp thuế (NNT) tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp NNT tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
NNT không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; trường hợp NNT được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn theo quy định thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
NNT phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc, thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và xử lý hành vi vi phạm về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.