Tuần qua, ngày 20/10 Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025...
Ảnh minh họa
Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, đến nay, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô....
Ngoài các thành tựu trong điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, tín dụng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu... giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng; với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích.
Các chỉ số, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng ấn tượng qua các con số cụ thể: Đến cuối tháng 8/2020 có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu, tăng 45,5% so với cùng kì năm 2016; Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 109 triệu thẻ. Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả địa bàn tỉnh trên cả nước với 19.541 ATM và 274.539 POS. Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng (tăng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016); Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng (tăng 980,9% và 793,6% so với cùng kỳ năm 2016); thanh toán qua POS đạt hơn 218 triệu món với 382,86 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 176,45% và 139,52% so với cùng kỳ năm 2016); thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với 1.818,58 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 38,65% và 53,77% so với cùng kỳ năm 2016)…
Theo khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, khoảng 50 NHTM đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã, đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như: xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment); giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS)...
Những con số phát triển vượt bậc của TTKDTM cho thấy thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi. Thay vì cầm theo ví với mối lo mất an toàn tài chính lẫn sức khỏe, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã có thói quen chạm màn hình điện thoại hay các thiết bị điện tử để thanh toán hầu hết chi phí những dịch vụ thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Các chuyên gia cho rằng, chính sự nỗ lực trong thời gian dài vừa qua của ngành Ngân hàng trong phát triển hạ tầng công nghệ, thiết bị, sản phẩm dịch vụ tiện ích cho TTKDTM, cộng thêm tác động từ đại dịch Covid-19 đã mang lại kết quả hôm nay.
Theo báo cáo thống kê của Google và Temasek công bố trung tuần tháng 10/2020, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia) về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2015-2019 và dự báo có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế số trong khu vực giai đoạn 2020 - 2025. Với những thành công trong phát triển TTKDTM chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng dự báo này của Google và Temasek sẽ thành hiện thực. Song cũng phải nhìn nhận thực tế là thói quen TTKDTM mới chỉ phổ biến ở các tỉnh, thành phố trung tâm – nơi có các điều kiện hạ tầng công nghệ tốt, còn ở vùng sâu, vùng xa thì TTKDTM vẫn đang nằm ở kế hoạch thì tương lai của các ngân hàng trong chuyển đổi số. Một vấn đề quan trọng khác: an ninh bảo mật trong TTKDTM. Chừng nào người tiêu dùng còn e ngại với những rủi ro từ TTKDTM thì chừng đó họ vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt.