Đại bàng đổ bộ
Theo Reuters, vào cuối tháng 11/2020, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, công bố sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam. Dự kiến, Foxconn bắt đầu sản xuất iPad và MacBook trong nửa đầu năm 2021.
Luxshare - một trong những đối tác lớn của Apple, có nhà máy lắp ráp AirPods của Apple tại Việt Nam, cũng mở rộng đầu tư nhà máy rộng hơn 30 ha tại Bắc Giang trong năm nay.
Trước đó, có thông tin Tập đoàn Pegatron của Đài Loan làm thủ tục xin phép hai dự án đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Pegatron sẽ sản xuất thiết bị điện tử gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch để cung cấp cho các tập đoàn điện tử lớn đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu.
Đại bàng đến giá đất đua nhau tăng |
Quý 1/2020, Samsung Việt Nam cũng công bố dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với quy mô vốn 220 triệu USD.
Nikkei Asia nhận định, Việt Nam đang đón nhận những cơ hội rất lớn từ làn sóng chuyển dịch của các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phải kể đến tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc và nhà sản xuất băng dính Đức Tesa.
Bên cạnh đó, phần lớn các khoản đầu tư mới đều tập trung vào lĩnh vực công nghệ, điển hình như sản xuất tai nghe Apple, màn hình tinh thể lỏng Sharp.
Bất động sản công nghiệp tăng giá
Theo CBRE Việt Nam, trong đại dịch, thị trường khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Trong quý 4/2020, giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại năm tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%, tăng 2,1% theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87,0%, tăng 2,5% theo năm.
Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam. CBRE ghi nhận giá thuê tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm.
Theo CBRE, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, với 20% tổng yêu cầu hỏi thuê cho ngành này. Sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối.
Để theo kịp với tốc độ của các quốc gia được coi là "con hổ châu Á", Việt Nam đang xây thêm nhiều khu công nghiệp, trong đó ít nhất 17 khu công nghiệp sắp tới sẽ được mở rộng.
Trong năm 2020, bất chấp đại dịch, các ông lớn về kho xưởng quốc tế như GLP, LOGOS và JD.com đã tham gia và đầu tư mạnh mẽ vào cả miền Bắc và miền Nam. Vingroup, một chủ đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam, cũng đã gia nhập thụ trường, với hai khu công nghiệp mới dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2021.
Tại các vị trí đắc địa với hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm để giao hàng chặng cuối.
Đánh giá triển vọng thị trường, CBRE cho rằng, với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới.
Tuy nhiên, giá thuê đất công nghiệp đã đạt mức cao tại một số khu công nghiệp có vị trí tốt, khách thuê sẽ phải tìm kiếm nguồn cung đất mới tại các khu vực ngoài các trung tâm công nghiệp hiện hữu.
Các chủ đầu tư khu công nghiệp cần thay đổi sản phẩm để thích ứng với tình hình mới, như áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo lao động cũng sẽ được chú trọng nâng cao để đáp ứng nhu cầu của các "đại bàng" đến Việt Nam "làm tổ".