HÒA BÌNH - VUI BÊN CHÉN RƯỢU CẦN
Rượu Cần Hòa Bình là đặc sản của dân tộc Mường chỉ có ở Hòa Bình được làm từ Gạo nếp và men Lá theo công thức cổ truyền, hương vị thơm ngon đậm đà. Từ xa xưa, người Mường đã có tục uống rượu cần. Tuy vậy, rượu cần người Mường không phải là đồ uống hàng ngày mà chỉ khi nhà có đông khách quý, dịp lễ tết, hội hè, người Mường mới tổ chức uống rượu. Khi uống phải có đông người, càng đông càng vui.
Rượụ cần xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày - Ảnh: sưu tầm
Ở Mai Châu, Hòa Bình trong các bản dân tộc Mường, uống rượu cần gọi là "vít khòe" (vít cần rượu). Vò rượu ủ chôn dưới đất 100 ngày được đào lên, cạnh vò là một chậu đồng đựng nước suối trong vắt. Chủ nhà là người cầm trịch cho một bữa rượu cần, vừa là người rót rượu, mời rượu vừa là trọng tài trong cuộc rượu (gọi là Piềng), một tay cầm chiếc sừng trâu hoặc sừng dê rỗng thủng đáy để đong nước vào rượu, tay kia cầm gáo để múc nước từ chậu tiếp vào sừng. Điệu hát thay lời chúc khách quý đến bản Mường mạnh khỏe, hạnh phúc. Vừa hát, vừa đong nước, tiếp nước vào vò rượu. Tốp khách nào uống không kịp, để rượu trào ra sẽ bị phạt bằng cách phải uống tiếp mấy "sừng" nữa trong tiếng vui cười của mọi người.
Cách uống rượu cần của người Mường khác các dân tộc khác, sử dụng nhiều cần rượu mỗi người một cần để nhiều người có thể cùng uống. Các cần rượu làm từ ống trúc rừng nhỏ tỏa đều, không được bắt chéo lên nhau, mỗi người vít lấy một cần mà hút rượu, bao giờ người cầm trịch ra hiệu thôi mới được ngừng, không ai được bỏ nửa chừng vì sẽ bị phạt.
ĐIỆN BIÊN - RƯỢU SÂU CHÍT "ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO" CỦA VIỆT NAM
Rượu Sâu Chít xưa nay vốn nổi danh vì sự công hiệu, hiệu nghiệm của nó đối với việc cải thiện đời sống sức khỏe sinh lý của nam giới, tăng cường sức khỏe cho người già, bồi bổ cơ thể cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh nở. Sâu chít có nhiều tác dụng tốt đã được kiểm chứng, chính vì thế, rượu sâu chít cũng được coi là một thứ thuốc quý hiếm của Tây Bắc.
Rượu sâu chít – thứ thuốc quý của Tây Bắc - Ảnh: sanvattaybac.com
Rượu sâu chít là thuốc bổ Đông Y, bồi bổ, nâng cao sức khỏe cơ thể, không phải rượu uống thông thường như các loại rượu khác. Rượu sâu chít sau khi ngâm 12 tháng có vị thơm, ngọt, và đặc biệt rượu có nồng độ cồn nhạt, vì vậy nên hoàn toàn phù hợp cho nhiều đối tượng nam nữ và người già. Sâu chít xưa kia vốn là món dành cho vua chúa, và theo thời gian, những món quà miền xuôi đã trở lên miền ngược, và đồng thời cũng đem rượu sâu chít đi khắp đất nước và cả các nước lân cận.
LÀO CAI - RƯƠU NGÔ BẢN PHÓ, BẮC HÀ CÙNG RƯỢU TÁO MÈO SA PA
Nhắc tới Bắc Hà, người ta không thể không nhắc tới thứ rượu Bắc Hà thơm đậm mùi ngô, cái cảm giác hơi gắt khi mới nhấp nhưng càng về sau, hơi rượu thấm vào từng thớ thịt, người ta càng uống càng cảm nhận được vị thơm ngon của loại rượu này. Rượu được bày bán khá nhiều tại chợ phiên Bắc Hà. Có du khách còn cất công vào tận nhà của người nấu rượu, hòng thưởng thức rượu ngay tại nồi ủ và mua mang về làm quà.
Rượu ngô được được đóng trong những chai đơn giản, không nhãn mác cầu kì như thế này để khách mua về làm quà - Ảnh: Trần Hồng Quân
Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới rượu Táo Mèo Sa Pa. Đây là thứ rượu đặc sản của người H'Mông Sa Pa, có màu nâu sóng sánh và vị thơm ngọt đặc trưng, được ngâm ủ từ trái sơn trà một loại táo rừng mọc hoang trên dãy Hoàng Liên Sơn. Vì những nơi có thứ trái này là nơi người H'Mông sinh sống nên còn gọi là trái táo mèo, loại cây ra hoa trắng vào mùa xuân và có trái vào mùa thu.
Nhâm nhi vài món nướng với chút rượu táo mèo giữ tiết trời se lạnh của Sa Pa thì thật tuyệt biết bao
Ngoài rượu ngô, rượu táo mèo, các thứ rượu như San Lùng, rượu thóc Nậm Pung ở Bát Xát, Lào Cai cũng được biết tới khá nhiều nhờ mùi vị đặc biệt và kĩ thuật nấu rượu ngon của bà con nơi đây.
SƠN LA - RƯƠU NGÔ BẢN ĐỊA
Ít tai biết rằng, vùng đất Sơn La cũng có món rượu ngô đặc biệt của người Mông. Nhà nào trong bản người Mông cũng có dăm ba lít rượu, có nhà có cả vài chum rượu ngô, vừa để uống, vừa để đãi khách quý đến chơi. Tuy không đặc biệt nổi tiếng như rượu ngô Hà Giang, Bắc Hà… nhưng vùng đất Sơn La lại có phong tục uống rượu rất thú vị, đậm đà bản sắc như: rượu bắt tay, rượu khát vọng, rượu vòng, rượu xoay, rượu gửi…
Đến Sơn La, ngoài những đồi chè xanh bạt ngàn, vườn đào vườn mận đẹp hút hồn mỗi độ xuân về, hay những đồi cải trắng mênh mông, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng và nhấp chút rượu ngô để món ăn thêm phần thi vị.
Rượu ngô - Ảnh: sưu tầm
YÊN BÁI - RƯỢU TÁO MÈO
Yên Bái là nơi trông nhiều táo mèo nhất vùng Tây Bắc, vì vậy không có gì lạ khi táo mèo trở thành đặc sản rượu của nơi này. Táo mèo còn được người dân xắt nhỏ, phơi khô sau khi thu hoạch và đem bán. Du khách có thể mang táo mèo khô về, tự ngâm với rượu trắng tùy theo khẩu vị để thưởng thức rượu táo mèo ngay tại nhà.
Táo Mèo được ngâm vào bình lớn, để càng lâu, chất ngọt của táo càng hòa quyện với rượu trắng tạo nên một món đồ uống tuyệt vời - Ảnh: amthuc356.
Tuy nhiên, không gì hơn là thưởng thức rượu táo mèo ngay tại vùng đất Tú Lệ hoặc Mù Cang Chải, Yên Bái. Nhắm chút rượu với món xôi nếp Tú Lệ, với gà nướng được người H’Mông chăn thả trên đồi, hay cùng ngồi quay quần bên ánh lửa và kể những câu chuyện không đầu không cuối, cuộc vui tàn cũng là lúc rượu dần ngấm. Vị táo mèo thơm ngọt không hề mang lại cảm giác khó chịu, đau đầu, mà ngược lại rất êm dịu.
Rượu vốn không phải là thức uống có hại, điều quan trọng là phải biết tiết chế, uống có điểm dừng. Như vậy mới thấy hết vị ngon của rượu, thấm công lao người nấu rượu và cũng một trải nghiệm văn hóa phong tục tập quán của người dân Tây Bắc.