Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản trả lời cử tri liên quan đến nội dung về cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đó, cử tri đề nghị quy định cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cụ thể trong Luật, Nghị định để địa phương có cơ sở thực hiện nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp trong tỉnh.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết việc chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nói chung, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có nhà ở.
Cụ thể trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...
Mặt khác, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2017 Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 655 phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729, theo đó giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này.
Việc triển khai Đề án nhằm mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn, bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Bên cạnh đó năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, trong đó giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết hiện nay đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành trong quý 4/2020.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 249 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 5,21 triệu m2 sàn, tương đương hơn 104.200 căn hộ; đang đầu tư xây dựng 264 dự án, với quy mô xây dựng 10,95 triệu m2 sàn, tương đương 219.000 căn hộ. Số dự án còn lại là 613 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng cho hay, kết quả nêu trên mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách như trên, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí thêm nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số 655 về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.