Kết quả kinh doanh giảm của FE Credit phần nào phản ánh khó khăn chung mà toàn ngành đang gặp phải.
Cho vay tiêu dùng giảm mạnh
Kết thúc 9 tháng đầu năm, FE Credit chỉ tăng trưởng tín dụng 6,4%, lợi nhuận đạt 3.199 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tới hơn 50% thị phần của khối doanh nghiệp cho vay tiêu dùng, kết quả kinh doanh của FE Credit phần nào phản ánh khó khăn chung mà toàn ngành đang gặp phải.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một công ty tài chính cho biết, dịch bệnh xảy ra khiến 65% khách hàng hiện hữu của công ty này bị giảm thu nhập, 70% danh mục cho vay bị ảnh hưởng xấu, buộc doanh nghiệp gần như phải “đóng băng” hoạt động cho vay mới, chỉ tập trung vào cơ cấu nợ, thu hồi nợ, hầu như chỉ cho vay khách hàng hiện hữu có lịch sử tốt.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 8 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng chỉ tăng 2,37% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước (khoảng 6%).
Báo cáo vừa được Công ty FiinGroup đưa ra mới đây cũng cho thấy, sau khi liên tục tăng trưởng ở tốc độ cao, lần đầu tiên trong thập kỷ, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt mức tăng trưởng một con số. Thách thức kép từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc thắt chặt các quy định về giải ngân tiền mặt theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN là nguyên nhân chính của tình trạng này.
“Hầu hết các khoản vay của các công ty tài chính tiêu dùng đều giảm do tác động của dịch bệnh, do lo ngại nợ xấu trong bối cảnh thu nhập cá nhân suy giảm”, báo cáo của FiinGroup cho hay.
Không chỉ tín dụng suy giảm, các công ty tài chính còn phải đối phó với tình trạng nợ xấu không ngừng tăng lên. Đơn cử, nợ xấu của FE Credit tại thời điểm cuối quý III/2020 tăng mạnh so với các quý trước. Nếu tính theo chuẩn mực kế toán VAS, nợ xấu của FE Credit hiện ở mức 6,9%, cao gấp rưỡi so với thời điểm cuối quý I/2020.
Lãnh đạo nhiều công ty tài chính tiêu dùng dự báo, khó khăn sẽ còn kéo dài đến ít nhất là giữa năm 2021. Dù tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi, song rủi ro vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, trong vòng 3-4 quý tới, các công ty tài chính sẽ vẫn giữ quan điểm phòng thủ, tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, chưa dám đẩy mạnh cho vay khách hàng mới.
Cho vay qua thẻ sẽ cạnh tranh gay gắt
Từ đầu năm đến nay, bất chấp quy định của Thông tư 18/2019/TT-NHNN về hạn chế cho vay tiền mặt, các khoản cho vay tiền mặt vẫn chiếm hơn 67% tổng danh mục cho vay của khối công ty tài chính. Tuy nhiên, thay vì giải ngân trực tiếp tiền mặt, các công ty tài chính ngày càng đa dạng hóa hình thức cho vay gián tiếp, nhất là cho vay qua thẻ tín dụng. Đây cũng là phân khúc cho vay dự báo được các công ty tài chính đẩy mạnh và cạnh tranh khốc liệt thời gian tới.
Thực tế, thời gian qua, trong khi dư nợ cho vay của khối công ty tài chính tiêu dùng suy giảm, thì dư nợ cho vay của nhiều chuỗi cầm đồ, nhiều công ty P2P vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường vẫn rất lớn. Đơn cử, 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của Chuỗi cầm đồ F88 tăng tới gần 80%.
Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng, đại dịch Covid-19 và sự thay đổi của lối sống tiêu dùng sẽ định hình lại thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam những năm tới. Theo đó, thẻ tín dụng sẽ nổi lên như một động lực tăng trưởng mới của thị trường cho vay tiêu dùng. Các hình thức cho vay trả góp mới cũng nở rộ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit khẳng định, dịch bệnh khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Nếu như trước đây khách mua hàng thanh toán bằng tiền mặt, thì nay sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn, thẻ tín dụng có số người sử dụng tăng 50% cùng kỳ năm ngoái và chi tiêu tăng 30%. Do đó, cấu trúc sản phẩm của Công ty cũng thay đổi, trước đây cho vay tiền mặt nhiều thì nay qua thẻ tín dụng nhiều hơn.
Cho vay qua thẻ trở thành xu hướng khiến cạnh tranh phát thẻ tín dụng dự báo sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới. Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, bản thân các công ty tài chính cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình cho vay tiêu dùng khác, đặc biệt là các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending), các chuỗi cầm đồ kiểu mới, các ứng dụng cho vay trực tuyến…
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để tồn tại và phát triển trong thời gian tới, các công ty tài chính tiêu dùng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp, đặc biệt là các sản phẩm số.
Ngoài ra, các công ty này cũng cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay, đưa về mức hợp lý để thu hút người dân tăng vay tiêu dùng và giảm rủi ro không trả được nợ…