Vừa qua, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn chi nhánh tại Đồng Nai đã gửi đơn thư đến một số ngành chức năng phản ánh về việc lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid-19 của TP Bank.
Theo thông tin phản ánh, ngày 13/3/2018 Ngân hàng TMCP Tiên phong - Chi nhánh Hùng Vương và Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn (được ủy quyền bởi Công ty TNHH Đa khoa Nhi Sài Gòn) kí kết đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ số 710/2018/GNN/TTBMN2/01 với số tiền 16.207.205.060 VNĐ. Hàng tháng Bệnh viện Đa khoa Nhi Sài Gòn đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
TP Bank bị doanh nghiệp “tố” làm trái thông tư và quy định của Nhà nước, cũng như không rõ ràng trong lãi suất cho vay.
Theo Công ty TNHH Đa khoa Nhi Sài Gòn, do ảnh hưởng của dịch bện Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động nên ngày 11/3/2020 nên công ty đã có văn bản số 10/CV/NSG về việc gia hạn trả vốn gốc hợp đồng tín dụng 286LHP1180730001 gửi đến ban lãnh đạo TP Bank và ban lãnh đạo chi nhánh Hùng Vương đề ghị được xem xét gia hạn thanh toán, khoanh nợ các khoản trả vốn gốc và lãi vay kể từ kỳ thanh toán 7/4/2020 đến khi dịch được khống chế.
Ngày 13/3/2020 NHNNVN ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty TNHH Đa khoa Nhi Sài Gòn, TP Bank đã không áp dụng thông tư này để xem xét cho công ty mà chỉ chấp nhận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và còn tăng lãi suất từ 8,8% lên 12,2 % trái với quy định của Chính phủ về việc hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh.
Đến ngày 24/3/2020, TP Bank không đồng ý giả lãi mà chỉ đồng ý khoanh nợ gốc 5 tháng từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2020.
Toàn bộ gốc đến hạn từ kỳ hạn tháng 4/2020 đến kỳ hạn gốc tháng 8/2020 được cộng dồn và phân kỳ trả nợ đều hàng tháng vào các kỳ trả nợ” và hưỡng ẫn cho công ty chúng tôi làm hai văn bản đề nghị hỗ trợ và kí kết văn bản sửa đổi bổ sung số 710/2018/VBĐS/TTB MN2/06042020.
Doanh nghiệp này cũng cho rằng, từ đó đến nay, doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất 12,2 %/năm là quá cao và không được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Theo đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, lãi suất từ 15/3/2020 đến 14/3/2028 được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần và bằng LSTK 12 tháng của TP Bank tại thời điểm điều chỉnh + biên độ 0,4%. Tuy nhiên, LSTK công khai của TP Bank không có mức 8,2%.
Phía Công ty cho rằng, ngân hàng cung cấp biểu lãi suất dành riêng đối với tài khoản tiền gửi tái tục có số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và cam kết không rút trước hạn là không hợp lý vì đây chỉ là mức lãi suất dành riêng cho 1 nhóm đối tượng rất nhỏ và không có tình chất phổ biến. Trong khi đó các ngân hàng bao gồm cả TP Bank hiện đang giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm.
Để làm rõ hơn nội dung phản ánh của Công ty TNHH Đa khoa Nhi Sài Gòn, Tài Chính Doanh nghiệp đã liên hệ với phía TP Bank, đại diện phía Ngân hàng cho biết: Ngày 24/3, TPBank đã tiếp nhận “Đề nghị hỗ trợ” về việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa nhi Sài Gòn Chi nhánh Đồng Nai và TPBank - Trung tâm bán Miền Nam 2 đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc cho khách hàng từ tháng 04/2020 - 08/2020
Theo TP Bank, trước đó, công ty gửi đơn đề nghị TPBank giảm lãi nhưng không được chấp thuận do ngân hàng sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với từng trường hợp. Với trường hợp của TNHH Bệnh viện Đa khoa nhi Sài Gòn Chi nhánh Đồng Nai, TPBank đánh giá nguồn thu công ty không bị ảnh hưởng do dịch trực tiếp (bởi công ty kinh doanh ngành nghề về y tế) mà chỉ bị ảnh hưởng do giãn cách, bệnh nhân vẫn có nhu cầu đi khám. Xét mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng nên TPBank không chấp thuận giảm lãi, chỉ đồng ý cơ cấu nợ gốc.
Bên cạnh đó, TP Bank cho rằng “về mức lãi suất căn cứ “Đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ” số 710/2018/GNN/TTB MN2/01 ngày 14/03/2020 đã ký giữa Công ty và TPBank, lãi suất từ ngày 14/03/2020 được điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần theo đúng nội dung Hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa hai bên. Tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng vay tiền tại TPBank, khách hàng được hưởng mức ưu đãi lãi suất là 8,4%/năm trong vòng 24 tháng theo chương trình ưu đãi của ngân hàng thời điểm đó. Đến hiện tại, thời gian được hưởng ưu đãi lãi suất đã hết, theo thỏa thuận 2 bên đã ký kết và theo quy định tính lãi của ngân hàng, lãi suất tăng lên 12,2%/năm là đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo đúng thỏa thuận giữa TPBank với khách hàng”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, tiết giảm chi phí, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí... quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Vậy, lý do TPBank cho rằng “nguồn thu của Công ty TNHH Đa khoa Nhi Sài Gòn không bị ảnh hưởng do dịch trực tiếp mà chỉ bị ảnh hưởng do giãn cách, bệnh nhân vẫn có nhu cầu đi khám” có thực sự thuyết phục hay chỉ là cái cớ để né chỉ đạo từ Thủ tướng Chính Phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước?
Bên cạnh đó, trong khi các Ngân hàng lớn nhỏ chạy đua giảm lãi suất cho vay với các gói giảm lãi suất vay ưu đãi cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thì TP Bank tính lãi suất tăng lên 12,2%/năm dựa theo quy định và thỏa thuận nào?
Tại sao TP Bank lại áp lãi suất cho vay của doanh nghiệp theo biểu lãi suất dành riêng đối với tài khoản tiền gửi tái tục có số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên mà không tính theo mức lãi suất phổ biến khiến mức lãi suất doanh nghiệp phải chịu đội lên cao đến vậy?