Tại hội thảo phòng chống kháng thuốc tại TP.HCM ngày 21/11, dược sĩ Huỳnh Phương Thảo cho biết, các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lao, viêm gan B, tay chân miệng, nhiễm trùng, sởi… đều cần phải sử dụng kháng sinh.
Nếu xảy ra tình trạng kháng kháng sinh trong tương lai, các quốc gia có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị các bệnh truyền nhiễm nếu hiện tại không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ những thông tin về kháng sinh tại hội thảo
Theo dược sĩ Thảo, hiện nay, tại Việt Nam có 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có đơn theo quy định. Trong đó, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không kê đơn tại khu vực nông thôn chiếm 91% và tại thành thị chiếm 88%. Tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc.
Bên cạnh đó, các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay thiếu năng lực và thiếu nhân viên để phân lập, xác định nhạy cảm vi sinh. Đồng thời, nhiều người bệnh có tâm lý tự điều trị hoặc chữa bệnh tại phòng mạch tư.
Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, kháng kháng sinh là một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu, làm vô hiệu hóa việc điều trị các bệnh nhiễm trùng. Tình trạng này có thể gây đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050.
Các chuyên gia phân tích về nguy cơ của tình trạng kháng kháng sinh
Theo bác sĩ Châu, tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam chiếm hơn 40% và đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng trong khi các công ty sản xuất kháng sinh đang thu hẹp.
Từ 18 công ty trước đây, nay chỉ còn 4 công ty và từ 19 loại kháng sinh (năm 1980) xuống còn 6 loại kháng sinh (năm 2010). Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ chế khác nhau để kháng sinh không thể tiêu diệt được vi khuẩn.
“Vi khuẩn tự sản xuất ra enzyme gây phân hủy hoặc làm bất hoạt kháng sinh. Đồng thời, nếu có một con kháng thuốc sẽ chuyển gen kháng thuốc từ con này qua con kia. Thậm chí, nó có thể chuyển di truyền xuyên qua các loài khác nhau”, bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Châu, một nghiên cứu gần đây cho biết, mỗi ngày, trên thế giới có trung bình khoảng 2.000 người chết vì siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, con số sẽ tăng gấp 15 lần vào năm 2050.