Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cần cơ chế để khai thác hết tiềm năng của ngọc trai Việt Nam

10/02/2022 10:45

Ngọc trai đầy tiềm năng, nhiều vận hội để phát triển thành ngành đúng nghĩa cần những doanh nhân, doanh nghiệp dám tiên phong, cần sự tham gia, khích lệ của Nhà nước.

Nhiều tiềm năng

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam chia sẻ: Nuôi trai lấy ngọc nằm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và trở thành nghề truyền thống.

Nhìn lại trong tiến trình lịch sử, đặc biệt với các quốc gia từ triều đại phong kiến, đồ đá quý hay những đồ tương tự được sử dụng nhiều trong các sinh hoạt của các vương triều, và ngọc trai cũng được dùng phục vụ cho những mục đích này. Nước ta cũng có lịch sử phong kiến dài và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, trong cách sinh hoạt của các vương triều.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc nuôi trồng trai lấy ngọc với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là bờ biển kéo dài, lại nằm trong vùng nền ấm, thích hợp với việc nuôi trai. Dù có sự khác nhau về vùng miền, nhưng đó lại là lợi thế.

Thời gian vừa qua, ngành nuôi trai tại Việt Nam đã phát triển và có thương hiệu trên thị trường thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ngọc trai lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi trai không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo thương hiệu riêng. Ở Việt Nam, thời gian qua, ngành nuôi trai lấy ngọc phát triển tập trung hướng tới một số đối tượng khách hàng. Mỗi đối tượng lại có một loại ngọc trai khác nhau, ví dụ ngọc trai hình tròn, hình oval...

“Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, ngành nuôi ngọc trai nếu phát triển đúng hướng thì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đòi hỏi sự khéo tay, khéo mắt của người nuôi, bởi nó tác động vào từ khâu nuôi khá lớn. Đồng thời, muốn khai thác tự nhiên tốt thì cần bảo tồn tốt” -PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói và cho rằng, để nuôi trai lấy ngọc hiệu quả cần chú ý đến khâu nuôi, vừa phát triển nhưng phải quản lý theo chuỗi. Cần phát triển kỹ thuật từ khâu nuôi đến khâu chế tác. Nuôi đã tốt rồi nhưng nếu chế tác kém thì cũng không đạt được giá trị kinh tế cao. Đặc biệt cần có sự tham gia, quản lý, tạo điều kiện của nhà nước với những cơ chế, chính sách khuyến khích.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nuôi trai lấy ngọc là hướng đi rất tiềm năng và hiệu quả ở Việt Nam. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 6 lĩnh vực ưu tiên nuôi trai lấy ngọc mới được ghép vào lĩnh vực nuôi biển theo nghĩa chung thôi chứ chưa thành một ngành kinh tế. Nếu có hướng đi đúng chúng ta có thể giúp phát triển thành một ngành thực thụ.

Qua đó có thể giúp chúng ta phát triển văn hóa biển đặc thù Việt Nam, trong đó ngoài các văn hóa ứng xử, các duy trì khảo cổ, các tâm linh biển thì đây là các giá trị. Từ đó sẽ giúp văn hóa ngọc trai hình thành, phát triển thịnh vượng hơn trong thời gian tới", ông Hồi khẳng định.

Cần những doanh nghiệp dám dấn thân

Bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú cho biết, trong thời buổi khó khăn, ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 như hiện tại, Công ty An Phú vẫn duy trì chỉ kinh doanh 100% ngọc trai nước mặn lại càng thách thức.

Ngọc trai nước mặn giá trị gấp nhiều lần ngọc trai nước ngọt được bán đại trà trên thị trường mà người tiêu dùng gần như không phân biệt nổi. Nhưng nhiều người mua ngọc trai tại Việt Nam, sau khi đi kiểm định đã phát hiện ra đó là ngọc trai nước ngọt thay vì là ngọc trai nước mặn như được người bán giới thiệu.


Vùng nuôi trai nước mặn ở Vân Đồn (Quảng Ninh)

“Từ trước khi tôi bước vào ngành nuôi cấy, kinh doanh ngọc trai nước mặn, tôi đã chứng kiến những vị khách nước ngoài đến từ Châu Âu, Châu Mỹ bày tỏ họ rất yêu thích sản phẩm ngọc trai Việt Nam. Đã có nhiều người thắc mắc tại sao trong khi cả thị trường đều kinh doanh ngọc trai nước ngọt, chúng tôi lại chọn đi ngược lại với số đông bằng cách kinh doanh trai nước mặn. Hay tại sao không nhập ngọc trai từ Trung Quốc cho rẻ rồi bán lấy lãi cao cho khỏe. Chúng tôi không thể làm vậy vì đó là bởi vì niềm tự hào dân tộc và tình yêu với ngọc trai. Chúng tôi không muốn vì một sản phẩm không đúng lại khiến khách du lịch thất vọng và cảm giác bị lừa dối khi rời khỏi Việt Nam” - CEO Nguyễn Thị Minh Thu chia sẻ

Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho biết, đơn vị này là công ty tiên phong và có thể nói gần như duy nhất của người Việt tổ chức nuôi cấy, khai thác, chế tác và kinh doanh, xây dựng thương hiệu ngọc trai nước mặn Việt Nam đưa ra thị trường quốc tế. Công ty cũng có vùng nuôi rộng, bài bản, đội ngũ kỹ sư nuôi cấy chế tác lãnh nghề được đào tạo bài bản, lâu năm ở các vương quốc ngọc trai thế giới như Nhật Bản, Hitati, Ý...góp phần tạo nên thương hiệu ngọc trai An Phú ở trong nước và nước ngoài.

Sở dĩ không phải ai cũng làm được vì nuôi cấy ngọc trai nước mặn là một việc làm rất khó, không chỉ có nhiều vốn là đủ, mà phải có tầm nhìn rộng vươn thế giới, có kỹ thuật chuyên môn sâu và tâm huyết với nghề, dám dấn thân…mới làm được. Do vậy, cần có sự vào cuộc của Nhà nước với những cơ chế khuyến khích nhằm biến ngọc trai thành một ngành kinh tế.