Đến chiều 16/1, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin cho biết, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã ban hành Báo cáo điều tra theo mục 301 với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến định giá thấp tiền tệ. Trong đó, hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Mỹ áp thuế hay sử dụng các biện pháp trừng phạt với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 15 tháng 1 năm 2021, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành Báo cáo về việc điều tra theo mục 301 đối với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ. Nội dung báo cáo đã cung cấp thông tin tổng quan về vụ việc, bao gồm nguyên nhân và mục đích buộc USTR phải khởi xướng điều tra vụ việc điều tra theo mục 301 với vấn đề tiền tệ của Việt Nam.
Kết luận được nêu trong báo cáo ngày 15/1/2021 của USTR hoàn toàn không đề cập, hoặc đề xuất việc Chính phủ Mỹ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy những nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp từ lãnh đạo Chính phủ đến các bộ, ngành, cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp của cả Việt Nam và Mỹ đã mang lại kết quả tích cực.
Với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA), đồng thời là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối các hoạt động trao đổi với phía Mỹ để xử lý vụ việc này, Bộ Công Thương hoan nghênh ý kiến kết luận của USTR nêu trong báo cáo trên. Quyết định của USTR có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ Myron Brilliant đã tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh thông tin Chính quyền Trump sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời tái khẳng định: Hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ. Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hết sức khuyến khích Chính phủ Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và thương mại chặt chẽ hơn với Việt Nam - quốc gia đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ.
Việt Nam coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, coi đây là trụ cột quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể quan hệ song phương với Mỹ. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực mở cửa thị trường, tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm đạt được những kết quả thực chất, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.
Bộ Công Thương, trong vai trò Đồng Chủ tịch Hội đồng TIFA, cùng các bộ, ngành Việt Nam mong muốn và sẵn sàng trao đổi với các cấp Lãnh đạo của USTR và các cơ quan liên quan, kể cả cấp Bộ trưởng hay cấp kỹ thuật, dưới mọi hình thức, để giải quyết các quan ngại và tạo tiến bộ cụ thể những vẫn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trên tinh thần hợp tác, thiện chí và xây dựng để hai bên có thể chính thức khép lại các cuộc điều tra.
Trước đó, dẫn nguồn trực tiếp từ Mỹ, VOV cho biết, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/1 đã công bố kết luận của cuộc điều tra đối với Việt Nam, theo điều khoản 301 của Luật Thương mại Mỹ. Cuộc điều tra được khởi xướng hồi tháng 10/2020.
Kết luận của cuộc điều tra cho rằng, các hành động và chính sách của Việt Nam bao gồm can thiệp vào thị trường tỷ giá hối đoái là không hợp lý là gánh nặng và hạn chế thương mại Mỹ.
Kết luận bước đầu đã nhận được phản ứng tích cực từ các bên liên quan, thông tin trên VOV cho thấy, trong quá trình điều tra, USTR đã tham vấn với Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan tới định giá tiền tệ và chính sách tỷ giá của Việt Nam. USTR cũng cho biết, kết luận của cuộc điều tra này dựa trên cơ sở một báo cáo toàn diện được đăng trên trang website của cơ quan này ngày 15/1.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) điều tra đối với Việt Nam theo điều khoản 301 của Luật Thương mại Mỹ. |
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, các hành động và chính sách không công bằng, tiếp tay cho việc định giá thấp đồng tiền gây phương hại tới người lao động và doanh nghiệp Mỹ cần được giải quyết. Ông Lighthizer cũng bày tỏ hy vọng, Mỹ và Việt Nam có thể tìm được con đường giải quyết các mối quan ngại.
Hiện USTR chưa thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan tới kết luận của cuộc điều tra, nhưng sẽ tiếp tục đánh giá mọi giải pháp.
Trước đó, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có một loạt các cuộc điện đàm với phía Mỹ để trao đổi về vấn đề này. Ngày 22/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O'Brient để cùng giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào đêm 7/1.
Phó Chủ tịch Điều hành và là người phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ Myron Brilliant, đã ra tuyên bố hoan nghênh thông tin chính quyền Tổng thống Trump sẽ không áp thuế đối với hàng hóa của Việt Nam.
Theo ông Brilliant, các hành động thương mại là một biện pháp không thích hợp nhằm giải quyết các khúc mắc liên quan tới định giá tiền tệ. Ông Brilliant cho rằng, tiền lệ được đưa ra trong báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ là đáng lo ngại đối với các thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ.
“Không chỉ Việt Nam không nằm trong các tiêu chí của chính phủ Mỹ về định giá thấp đồng tiền, sự gia tăng thương mại Việt-Mỹ là ảnh hưởng trực tiếp của các biện pháp thuế quan Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc”, ông Brilliant nhấn mạnh.
Cũng theo ông Brilliant, cộng đồng doanh nghiệp khuyến khích Mỹ gia tăng quan hệ đối tác thương mại và chiến lược gần gũi hơn với Việt Nam, khi quốc gia này đang trở thành một thị trường thương mại quan trọng.
Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của USTR, không công bố hoặc không thực hiện áp thuế đối với Việt Nam và chuyển sang chính quyền Biden tiếp tục cân nhắc.
Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN Alexander Feldman cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, không hành động hoặc áp thuế đơn phương đối với Việt Nam trong thời điểm này và cho phép USTR, Bộ Tài chính và chính quyền Biden phối hợp với Việt Nam tìm hướng giải quyết nhằm mang lại lợi ích cho các công ty, người lao động Mỹ và Việt Nam”.
Theo ông Feldman, quan hệ đối tác Việt-Mỹ mạnh mẽ không chỉ quan trọng đối với lợi ích địa chính trị và kinh tế quốc gia Mỹ, mà còn tác động đáng kể đối với quan hệ chiến lược với các nước khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ ở ASEAN và là một thị trường đang phát triển đối với xuất khẩu Mỹ, cũng như một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các công ty Mỹ.
Ông Feldman khẳng định: Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN sẽ phối hợp với tân Đại diện thương mại và chính quyền Biden, nhằm thảo luận các khuyến nghị trong vấn đề này cũng như định hướng tăng cường quan hệ Việt-Mỹ.