"Nếu vắc xin thành công, chúng tôi là người đầu tiên được bảo vệ"
Có mặt tại Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học - Học viện Quân y (Hà Nội) từ đầu giờ sáng, chị T.P.T, 25 tuổi, quê Bắc Ninh là một trong những người đầu tiên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị T. cho biết, là một học viên cao học về chuyên ngành y khoa và đang trực tiếp nghiên cứu về Covid-19, bản thân chị hiểu rõ sự nguy hiểm của đại dịch. Do đó, khi đọc được thông tin về việc tuyển tình nguyện viên, bản thân chị không mất quá nhiều thời gian để cân nhắc.
Chị T. chia sẻ: "SARS-CoV-2 là một virus rất phức tạp và nguy hiểm. Mặc dù hiện nay ở Việt Nam dịch đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu hàng ngày vẫn ghi nhận rất nhiều ca mắc mới và tử vong. Do đó, nếu có một cơ hội nào đấy để góp sức vào việc đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin Covid-19 thì tôi sẽ đăng ký".
Vì là một trong những người đầu tiên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19, chị T. cho biết, bản thân đương nhiên vẫn có những sự lo ngại nhất định. Tuy nhiên, theo chị T., sau khi lắng nghe kỹ thông tin tư vấn, tình nguyện viên có thể đánh giá được rủi ro của mình, từ đó đưa ra quyết định có tiếp tục hay không.
"Thông tin mà tôi quan tâm nhất là mình sẽ được tiêm cái gì, mức độ nguy hiểm đến đâu. Nếu niềm tin của bản thân đủ lớn thì sẽ tiếp tục, còn không thì có thể dừng", Chị T. nói.
Cũng theo chị T., bên cạnh việc đối diện với rủi ro, những tình nguyện viên cũng sẽ có những quyền lợi đặc biệt.
"Đó là một sự đánh đổi. Nếu vắc xin thành công, thì tôi sẽ là một trong những người đầu tiên được bảo vệ trước Covid-19 và không hề mất chi phí tiêm chủng. Bên cạnh đó, tình nguyện viên sẽ được quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Nếu không may có vấn đề gì xảy ra thì mình được quan tâm đầu tiên. Do đó, mình rất an tâm", Chị T. bày tỏ quan điểm.
Là sinh viên khoa Dược, Học viện Quân y, chị N.T.M cho biết bản thân và nhiều bạn học khác sẽ cùng đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong sáng nay.
Chị M. nói: "Lớp chúng tôi có 53 người và dự kiến sẽ đăng ký toàn bộ. Trước đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ thông tin của loại vắc xin này và biết nó đã đạt kết quả rất tốt khi thử nghiệm tiền lâm sàng".
"Theo tư vấn, trước khi được tiêm thử vắc xin, tình nguyện viên sẽ được kiểm tra sức khỏe như: những vấn đề dị ứng, bệnh nền, bệnh đường hô hấp, các chỉ số trong máu. Do đó, tôi rất tin tưởng vào độ an toàn của việc thử nghiệm", Chị M. nói.
Sự an toàn của người thử nghiệm được đặt lên hàng đầu
Theo Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, đơn vị này và Nanogen đã chuẩn bị rất kỹ cho khâu thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, sự an toàn của các tình nguyện viên sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo Trung tướng Quyết, tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin Nanocovax. Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đối tượng là khoảng 56 ngày, để đánh giá mục tiêu nghiên cứu.
Về phía Công ty Nanogen, TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển cho biết: "Tới thời điểm hiện tại, đơn vị này và các bên liên quan đã chuẩn bị rất chỉn chu công tác xử lý các biến cố không may xảy ra".
Nanogen đã làm hợp đồng với đơn vị bảo hiểm để chi trả cho những tình huống rủi ro.
Bên cạnh đó, phía Nanogen cũng đã ký quỹ với ngân hàng một số tiền rất lớn, để chi trả cho những vấn đề mà bảo hiểm không thanh toán được.
Thông tin tại "Lễ tuyên bố chương trình thử nghiệm trên người vắc xin Nanocovax", ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, đơn vị đã dự trù khoản kinh phí khoảng 20 tỷ cho những rủi ro của tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19.
Giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19 sẽ tuyển 60 người tình nguyện từ 18 đến 50 tuổi. Đây là những người được cung cấp thông tin về nghiên cứu, theo nguyện vọng của cá nhân, không có áp lực nào về mặt sức khỏe. Người đó phải đọc được thông tin và khẳng định đã đọc những thông tin của nghiên cứu thử nghiệm. Tình nguyện tham gia nghiên cứu thì phải ký vào văn bản chính thống Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ y tế đã thông qua.
Bên cạnh việc tình nguyện thì họ phải đảm bảo những tiêu chí về mặt y tế, phải là người khỏe mạnh. Tham gia vào nghiên cứu giai đoạn 1 này, người khỏe mạnh được định nghĩa là những người không mắc các bệnh, kể cả bệnh cấp tính hay bệnh mãn tính. Thứ hai là các chỉ số liên quan đến huyết học và sinh hóa hoàn toàn bình thường, không có các bệnh mãn tính bệnh tiềm tàng và được cơ quan y tế xác nhận là hoàn toàn khỏe mạnh.
Về nguyên tắc người tham gia thử nghiệm không phân biệt về địa lý, chủng tộc, dân tộc. Tuy nhiên, có những đối tượng mang tính chất nhạy cảm thì không được phép tham gia. Ví dụ phụ nữ đang có thai hay người đang phụ thuộc về mặt tài chính (tham gia thử nghiệm để được tiền).
Ảnh: Đỗ Linh