Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hải Phát Invest chuyển lỗ sau kiểm toán, Danh Khôi bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

10/09/2023 10:52

Tuần vừa qua tiếp tục là một tuần “kém vui” của các doanh nghiệp niêm yết khi liên tục ghi nhận những kết quả không mấy tích cực trong kết quả kinh doanh.

Hải Phát Invest chuyển lỗ khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022


Tuần vừa qua tiếp tục là một tuần “kém vui” của các doanh nghiệp

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) đã công bố một loạt tài liệu, gồm báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, báo cáo thường niên 2022, báo cáo tài chính quý I/2023, báo cáo tài chính quý II/2023. Trong đó, BCTC năm 2022 kiểm toán cho thấy công ty báo lỗ hơn 58 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận mức lãi hơn 142 tỷ đồng.

Theo giải trình của Hải Phát, sự chênh lệch giữa lợi nhuận trước và sau kiểm toán là do một số khách hàng thay đổi mục tiêu đầu tư và đã thoả thuận với công ty để thanh lý hợp đồng đã mua hàng/nhận chuyển nhượng.

Hải Phát Invest cũng cho biết thêm, do sản phẩm công ty năm nay chưa đủ điều kiện bàn giao nhà cho người mua dẫn tới việc chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, nên lợi nhuận 2022 giảm so với năm 2021.

Về kết quả kinh doanh mới nhất, theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu thuần của Hải Phát đạt 624 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cao gấp gần 3 lần khiến khoản lợi nhuận gộp giảm mạnh 42%, xuống còn 157 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế đạt hơn 84 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Danh Khôi bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Hậu kiểm toán, khoản lỗ luỹ kế nửa đầu năm 2023 của Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) “phình” to tới gần 71% so với báo cáo tự lập.

Cụ thể, từ mức lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng trước soát xét, sau khi kiểm toán nhập cuộc, doanh nghiệp địa ốc này lỗ thêm 15 tỷ đồng, lên mức 35 tỷ đồng. Trong khi đó, nửa đầu năm 2022, Danh Khôi vẫn làm ăn có lãi khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 51 tỷ đồng.

Giải trình về việc kết quả kinh doanh “đảo chiều” từ lãi sang lỗ sau một năm, doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là do doanh thu từ dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản, doanh thu từ dịch vụ môi giới và dịch vụ khác giảm do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính còn khá cao.

Còn về sự chênh lệch lợi nhuận trên báo cáo tài chính soát xét và tự lập, theo Danh Khôi, nguyên nhân là do kiểm toán đã ghi nhận bổ sung chi phí dự phòng phải thu khó đòi đối với Công ty CP Danh Khôi Miền Nam.

Đáng chú ý, mặc dù không đưa ra kết luận ngoại trừ nhưng Moore AISC nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Danh Khôi do những vấn đề liên quan đến các khoản nợ quá hạn, nợ sắp đến hạn cũng như việc thu hồi nguồn tiền của các hoạt động hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, kết thúc kỳ kế toán, Danh Khôi vẫn chưa thanh toán 93,9 tỷ đồng tiền nợ thuế cho Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh; dư nợ vay của ngân hàng và trái phiếu đã quá hạn lên tới hơn 195 tỷ đồng; khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán là gần 9 tỷ đồng.

Trong khi nợ chồng chất, doanh nghiệp này vẫn chưa thu hồi được tiền từ các hoạt động hợp tác kinh doanh. Theo kiểm toán, những khoản này chiếm tới 79,15% tổng tài sản tại thời điểm ngày 30/6/2023. Điều này khiến cho hệ số khả năng thanh toán bằng tiền, khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp giảm sút.

Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Cuối tháng 7/2023, Công ty CP Lilama 45.3 (HNX: L43) đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG). Nguyên nhân là do Đức Long Gia Lai chưa thanh toán khoản nợ 31,4 tỷ đồng cho Lilama 45.3.

Trước thông tin này, Đức Long Gia Lai đã ra văn bản công bố thông tin bất thường vào ngày 1/9/2023. Theo đó, doanh nghiệp này giải trình về những vấn đề khó khăn gặp phải như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng... Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai khẳng định, doanh nghiệp này không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.

Đức Long Gia Lai nhấn mạnh, khoản nợ với Lilama 45.3 chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của doanh nghiệp (khoảng 20 tỷ đồng), hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán, do đó doanh nghiệp này không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Đức Long Gia Lai báo lãi sau thuế hơn 34 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 361 tỷ đồng.

Mặc dù đã thoát lỗ nhưng theo báo cáo soát xét bán niên năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2026 vẫn âm 2.042 tỷ đồng. Điều này khiến cho cổ phiếu DLG vẫn bị giữ nguyên diện cảnh báo.

Vốn hoá của VinFast xuống dưới 40 tỷ USD

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu của VinFast đóng cửa ở mức 17,15 USD/cp, giảm 4,67%. Theo đó, mã này đã trượt dài 8 phiên liên tiếp. Trong khi đó, khối lượng giao dịch có xu hướng tăng, đạt gần 8,5 triệu đơn vị, cao hơn mức trung bình là 8 triệu đơn vị, là tín hiệu cho thấy lực bán lớn, nhiều nhà đầu tư xả hàng.

Với thị giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa của VinFast hiện chỉ còn gần 40 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh là 191 tỷ USD ghi nhận vào ngày 28/8. Trên bảng xếp hạng các hãng xe giá trị nhất thế giới, VinFast đã tụt xuống vị trí thứ 13, chỉ nhỉnh hơn Li Auto (vị trí thứ 14) khoảng 700 triệu USD.

Trong một diễn biến khác, tại Việt Nam, VinFast đã công bố thông tin về việc phát hành thành công 3 lô trái phiếu, tổng trị giá 5.000 tỷ đồng trong ngày 31/7/2023. Bên cạnh số tiền huy động được từ kênh trái phiếu, hãng xe này còn nhận được khoản tài trợ 2,5 tỷ USD từ Tập đoàn Vingroup và nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng. Khoản tài trợ “khủng” được kỳ vọng sẽ làm gia tăng nguồn lực tài chính cho kế hoạch phát triển của VinFast.

Thái Hà