Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hơn 100.000 DN rút khỏi thị trường, hàng triệu gia đình khó khăn

09/12/2021 15:28

Ảnh hưởng dịch bệnh Covid, trong năm 2021,trong số hơn 100.000 DN rút lui khỏi thị trường, hầu hết là các DN nhỏ và vừa. Tất nhiên, kéo theo đó là hàng triệu lao động và gia đình của họ gặp khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN nhỏ và vừa hiện chiếm tới gần 98% tổng số DN của Việt Nam, tạo ra 5 triệu việc làm, nhưng chủ yếu đang phát triển theo chiều rộng, tăng về số lượng mà ít tăng về chiều sâu.

Đến nay, các DN nhỏ và vừa Việt Nam cơ bản chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị toàn cầu. Mối liên kết giữa DN trong nước với các DN FDI còn lỏng lẻo. DN nhỏ và vừa cơ bản chỉ sử dụng công nghệ ở mức trung bình, tạo ra giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động. 

Đặc biệt, trong năm 2021, rất nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ. Vì thế, các DN rất cần hỗ trợ nâng cao cạnh tranh, kết nối với các DN đầu chuỗi, hỗ trợ tiếp cận tài chính và hỗ trợ về chuyển đổi số...

Hiện nay, Bộ KH - ĐT đã cùng cơ quan Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát triển dự án LinkSME (Kết nối các DN nhỏ và vừa), hỗ trợ nhiều DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua khó khăn trong đại dịch. Dự án được triển khai trên 3 trụ cột, gồm: kết nối DN nhỏ và vừa với các DN đầu chuỗi; hỗ trợ tiếp cận tài chính và hỗ trợ về chuyển đổi số.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, LinkSME đã tập trung nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa. Nhờ đó, nhiều đơn hàng kết nối thành công; hàng chục khóa đào tạo cho hàng trăm DN đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của các DN đầu chuỗi cung ứng; tăng cường năng lực tiếp cận tài chính và quản trị tài chính với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, có gần 100.000 lượt DN đã tiếp cận các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hơn 500 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 DN đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để chuyển đổi số.

Ông Lê Duy Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa (Vĩnh Phúc), LinkSME đã hỗ trợ DN thông qua việc cử các chuyên gia tới hỗ trợ DN đánh giá lại năng lực, hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, tìm đến đối tác nước ngoài có tiềm năng và tìm kiếm nguồn vốn chi phí thấp. Hiện DN đã đạt chất lượng và các tiêu chuẩn quốc tế, có khách hàng lớn từ Mỹ, châu Âu tới làm việc... mở ra tương lai rất khả quan.


DN nhỏ và vừa được hỗ trợ mở thị trường.

 

Số hóa để bơi ra khỏi 'ao làng'

Ô Lê Duy Anh cho biết, trước đây, với chuyển đổi số, chúng tôi ý thức được là cần thiết, nhưng cứ loay hoay tìm hướng đi. Đến nay chúng tôi đã hình dung ra phải làm như thế nào, có bao nhiêu hạng mục cần thực hiện. Nhờ chuyển đổi số đã giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan, Trung Quốc, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu… 

Ông Đặng Đình Thịnh, Phụ trách kỹ thuật Công ty cp sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT (Bắc Ninh) cho biết, hiện tại DN đang hợp tác với LinkSME triển khai mô hình nhà máy thông minh, tạo ra cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia LinkSME để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị và tìm khách hàng nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu nên khi đơn hàng trong nước bị giảm do dịch Covid thì đơn hàng xuất khẩu đã tăng lên.

Nếu như năm 2019 xuất khẩu chiếm 16,9% doanh thu của DN thì năm 2020 tăng lên 19,7% và 9 tháng đầu năm 2021 tăng lên tới 30,4%, đạt 13,6 triệu USD. Linh kiện xuất khẩu tập trung vào thị trường Mỹ và Canada. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc Công ty Eubiz (Hà Nội) kể, chúng tôi có các công ty con ở Đắc Nông, Bình Phước, Sơn La, có các đối tác phân phối tại Mỹ, châu Âu và Úc. Với hoạt động trên không gian rộng như vậy, nếu làm thủ công thì sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đã chọn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, chúng tôi đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số rõ ràng tới năm 2025. Với việc dùng công nghệ số quản lý toàn bộ hệ sinh thái, kho vận từ xa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đã đáp ứng yêu cầu về một hệ thống kép kín của các nhà nhập khẩu quốc tế. Chuyển đổi số đã giúp DN tăng sự minh bạch, giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh trước các DN của Thái Lan, Trung Quốc. 

Trần Thuỷ