Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Khách hàng cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm "trị nám" từ thương hiệu Soojin

24/09/2021 14:58

Hiện nay, dòng sản phẩm mỹ phẩm mới nổi có tên thương hiệu Soojin đang làm mưa, làm gió trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Công ty TNHH Soojin Việt Nam hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thể hiện website được đăng ký với Bộ Công Thương. Người tiêu dùng băn khoăn đặt ra các câu hỏi các sản phẩm mỹ phẩm có đúng là sản phẩm "trị nám, phục hồi da" như công ty này quảng cáo và có đủ điều kiện để đưa đến tay người tiêu dùng hay không?

Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Qua tìm hiểu thông tin của PV, Công ty TNHH Soojin Việt Nam (sau đấy viết tắt là công ty Soojin) có Mã số thuế 0109714563, có địa chỉ tại số 423 Nguyễn Khang-Phường Yên Hoà-Quận Cầu Giấy-Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Trương Đức Thọ. Công ty có website: https://soojin.vn/.

Ngoài ra trên các nền tảng mạng xã hội còn có các trang, hội nhóm, kênh tin tức như: Youtube: https://bit.ly/soojinvietnamyoutube; Page facebook: https://www.facebook.com/vietnamsoojin; Facebook: https://www.facebook.com/bichphuongsoojin/; Instagram: https://www.instagram.com/soojinvietnam/.......  đăng tải hàng loạt thông tin về mỹ phẩm Soojin.

Tại đây đều được sử dụng một số điện thoại liên hệ đến bộ phận bán hàng của Công ty Soojin. Theo thông tin tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm mỹ phẩm, Pv đã liên hệ đến số điện thoại (1900 866 669) và được nhân viên Công ty Soojin tư vấn về các sản phẩm: Combo 3 bộ giúp giảm nám, dưỡng da, chống nắng gồm: SOOJIN Moisture B5 Serum, SOOJIN Melasma Perfect Cream, SOOJIN UV Protection Lotion; giá bán 850.000 VNĐ/01combo.

Combo 2 bộ giúp giảm Nám, Phục Hồi da gồm: SOOJIN Moisture B5 Serum, SOOJIN Melasma Perfect Cream có giá 630.000 VNĐ/01 combo.

Trên website của Công ty Soojin vô tư khẳng định mỹ phẩm có tên Melasma Perfect Cream là kem trị nám. (Ảnh chụp màn hình website Công ty Soojin)

Theo nhân viên tư vấn của Công ty Soojin các sản phẩm này điều trị nám, có tác dụng sau một tháng sử dụng. Giá đang niêm yết trên website là giá gốc, không áp dụng khuyến mại. Bên cạnh đó, sản phẩm để trị nám khi sử dụng sẽ gây bong chóc da. Đáng lưu ý, nhân viên tư vấn cho biết các sản phẩm mỹ phẩm này của Công ty Soojin không phải hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, sản phẩm chỉ được nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.

Khi được hỏi về việc tại sao sản phẩm của Công ty Soojin không đăng tải thông tin phiếu công bố sản phẩm, giấy phép lưu hành sản phẩm, nhân viên ngập ngừng và cho biết sẽ kiểm tra lại trên website.

Chưa dừng lại ở đó, Công ty Soojin sử dụng mạng internet và các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu loạt sản phẩm với nhiều công dụng chưa thật sự đúng với các thành phần có trong sản phẩm như: ngăn chặn bức xạ UVA/UVB xâm nhập vào da , trị nám, phục hồi da... Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT - quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Trên bao bì các sản phẩm mỹ phẩm này còn đặc biệt gắn thêm cụn từ “KOREA” dường như muốn khẳng định sản phẩm có nguồn gốc, xuất sứ từ Hàn Quốc?!

Ngày 18/09/2021 Công ty Soojin cho ra mắt sản phẩm mỹ phẩm Soojin với tên gọi " Bộ 3 sản phẩm trị nám và phục hồi da. Khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về mỹ phẩm này là thuốc trị nám?!

Nghị định 38/2021/NĐ-CP còn có quy định riêng về việc xử phạt đối với các vi phạm về quảng cáo thuốc, mỹ phẩm. Cụ thể như sau:

Đối với mỹ phẩm: 

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng không phù hợp với công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn; quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân vi phạm.

Hình ảnh được cho là nhà máy sản xuất mỹ phẩm của công ty Soojin. (Ảnh cắt từ video Công ty Soojin đăng tải)

Hoạt động kinh doanh, mua bán sản phẩm trên website chưa đăng ký theo quy định pháp luật

Đặc biệt, các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên của Công ty Soojin đã ra mắt và bán đến tay người tiêu dùng. Nhưng việc kinh doanh qua các nền tảng internet mà Công ty Soojin thực hiện trên website lại chưa thể hiện được công bố đăng ký với Bộ Công thương.

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử thì tất cả cá nhân, thương nhân, tổ chức khi sử dụng các website thương mại điện tử để thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình thì khi thiết lập website đều phải tiến hành thông báo với Bộ Công thương.

Căn cứ vào Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử thì “Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng”.

Tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các trường hợp không tiến hàng đăng ký website như sau:

Điều 81. Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định;

b) Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại tên miền;

c) Triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký;

d) Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

đ) Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

e) Tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c, đ và e khoản 3 Điều này.

Website thương mại điện tử để thực hiện kinh doanh buôn bán mỹ phẩm của Công ty Soojin.(Ảnh chụp màn hình website Công ty Soojin)

Mặt khác, theo phiếu công bố mỹ phẩm do ông Từ Hoàng Tước - Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang ký ngày 08/09/2021 thể hiện rõ các sản phẩm thương hiệu Soojin là mỹ phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất tại nhà máy có địa chỉ ở đâu thì không thể hiện trên bao bì sản phẩm.

Địa chỉ được in trên bao bì là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Soojin (tại số 423 Nguyễn Khang-Phường Yên Hoà-Quận Cầu Giấy-Hà Nội). Theo hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm..., điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. 

Địa chỉ được in trên bao bì sản phẩm mỹ phẩm Soojin là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Soojin (tại số 423 Nguyễn Khang-Phường Yên Hoà-Quận Cầu Giấy-Hà Nội). Ảnh cắt từ video Công ty Soojin đăng tải

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về luật công bố mỹ phẩm có đề cập:

“Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm

1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường”.

Như vậy, công bố lưu hành mỹ phẩm là việc làm bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trước khi muốn đưa một sản phẩm mỹ phẩm bất kỳ nào ra thị trường.

Ngoài ra, không phải doanh nghiệp muốn đăng ký công bố cũng được mà phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Phải có đăng ký kinh doanh mỹ phẩm;

Phải cam kết thành phần mỹ phẩm không có chất cấm, hàm lượng chất hạn chế không vượt giới hạn cho phép;

Nếu đã từng công bố các sản phẩm trước đó, phải thực hiện thủ tục báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh mỹ phẩm lên Sở và Bộ Y tế hàng năm.

4. Quy định về xử lý vi phạm liên quan đến công bố mỹ phẩm

Việc công bố mỹ phẩm là bắt buộc nên những trường hợp cố tình không thực hiện hoặc kê khai thông tin thiếu chính xác, minh bạch khi làm hồ sơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể các hình thức xử phạt như sau:

“Điều 48: Vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;

b) Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này”.

Vậy việc công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Soojin đã đủ điều kiện để lưu hành hay chưa? Việc quảng cáo gây nhầm lẫn sản phẩm mỹ phẩm có tác dụng như thuốc điều trị sẽ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng ra sao? Để lại hậu quả gì? Hoạt động kinh doanh mua bán, phân phối sản phẩm khi chưa đăng ký, hay không thực hiện quy định tiêu chuẩn website thương mại điện tử của Công ty Soojin liệu các cơ quan chức năng có nắm được hay không? 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

 

 

An An