Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, gần 90% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT, theo lộ trình này sẽ đạt 95%. Quỹ BHYT đang là công cụ tài chính quan trọng đảm bảo hoạt động của ngành Y tế, giúp các cơ sở y tế được vận hành, cung ứng dịch vụ ngày càng tốt và hoàn thiện hơn.
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: “Bộ Y tế và BHXH Việt Nam hiện như hai người trên một con thuyền. Mỗi người một mạn thuyền nên cần phải bơi cùng nhau để con thuyền tiến lên”. Vì vậy, việc ban hành, ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giữa hai Ngành là điều cần thiết để thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHYT; khắc phục những tồn tại, hạn chế; phù hợp với thực tiễn về sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ; mở rộng, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế ký Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan
Cùng quan điểm với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về sự cần thiết phải có Quy chế phối hợp mới với tầm nhìn mới, thay thế Quy chế phối hợp đã được ký kết năm 2008 giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, sự phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có những bước tiến mới, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Sự phối hợp đó được thể hiện rõ nét trong công tác xây dựng chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất để giảm thiểu tối đa các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Một trong những hoạt động phối hợp nổi bật giữa hai Ngành là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Hiện nay, toàn quốc có hơn 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế xã trở lên đã được kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng Thông tin giám định BHYT. Nếu trong năm 2017, tỷ lệ liên thông dữ liệu khám chữa bệnh trong ngày chỉ đạt 38% thì đến nay đã đạt 89%. Công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã được thực hiện bằng hệ thống phần mềm, đảm bảo chính xác và minh bạch hơn. Ngoài ra, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi lễ
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho rằng, giai đoạn tới đây, ngoài những thuận lợi như nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của người dân thì chính sách BHYT tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như làm sao để vừa duy trì được sự phát triển bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện đạt gần 90% dân số), vừa phát triển tiếp hơn 10% số dân còn lại chưa có thẻ BHYT mà chủ yếu lại rơi vào nhóm đối tượng khó phát triển là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Toàn cảnh Lễ ký kết
“Một nhiệm vụ rất quan trọng khác nữa là quản lý và sử dụng quỹ BHYT sao cho vừa đạt được mục tiêu cân đối, ổn định vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo thời gian, việc tiếp cận dịch vụ y tế ngày một thuận lợi, người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe, vấn đề già hóa dân số… đồng thời, nhiều loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật tiên tiến được sử dụng nhiều hơn trong khám, chữa bệnh BHYT khiến chi phí khám, chữa bệnh BHYT tiếp tục gia tăng”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định.
Hai bên cùng thỏa thuận và ký kết
Với những định hướng, mục tiêu cụ thể hai Ngành đã đề ra, tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã thông qua và ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT thời gian tới.
Quy chế bao gồm 3 chương, 11 điều quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc phối hợp dựa trên cơ sở thực hiện và tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo đúng chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Bảo đảm các hoạt động phối hợp được thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Y tế và chỉ đạo tổ chức thực hiện của lãnh đạo BHXH Việt Nam. Hai bên thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Về nội dung phối hợp, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển BHYT; xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT; đánh giá tình hình thực hiện các văn bản Quy phạm pháp luật về BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về BHYT; phối hợp trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHYT; phối hợp triển khai thực hiện Đề án Chính phủ đã phê duyệt về Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 Ngành BHXH và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các Ngành liên quan...
Lãnh đạo hai Ngành tin tưởng, Bản Quy chế phối hợp sẽ là cơ sở vững chắc để hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam; góp phần hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong thời gian tới.