Cuộc đổi ngôi Top 3
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng lệnh giãn cách xã hội lại góp phần thúc đẩy dịch vụ này tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo ước tính của Adroit Market Research, thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu dự kiến đạt giá trị lên tới 161,74 tỷ USD năm 2023. Trong đó, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến châu Á-Thái Bình Dương dự kiến đạt 90,95 tỷ USD năm 2023. Tại Việt Nam, theo Statista, doanh thu mảng giao đồ ăn trực tuyến đạt khoảng 302 triệu USD trong năm 2020. Mức này cao hơn Thái Lan 275 triệu USD nhưng lại kém xa so với Indonesia là 1,9 tỷ USD và Singapore là 464 triệu USD. Thị trường Việt Nam thu hút nhiều dịch vụ tham gia như Grab Food, Now, Baemin, Go Food, Loship và gần đây là cả Tiki và VinID.
Theo khảo sát được Q&me (Asia Plus) thực hiện cuối năm 2020 với 1.046 người có độ tuổi từ 18-45 tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 62% người được hỏi cho biết có sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến. Trong đó, 82% sử dụng qua các app (ứng dụng). Phần lớn (72%) lý do đưa ra cho việc sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, các khuyến mãi hay việc đảm bảo an toàn trong mùa Covid cũng được 49-58% người đồng tình.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sức ép cạnh tranh gia tăng lên các đối thủ hiện có trên thị trường. Mô hình kinh doanh của các công ty giao đồ ăn trực tuyến không khác nhau nhiều: Giao đồ ăn hiện là mảng có biên lợi nhuận thấp.Yếu tố chính làm sao để vẫn tăng được lượng đặt hàng và giảm chi phí. Thu hút nhiều nhà hàng đối tác và người dùng mới thông qua các chương trình khuyến mãi là những chiến lược tăng trưởng điển hình. Điều đó đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và duy trì thường xuyên để giành thị phần.
Trong số 1.046 người thực hiện khảo sát của Asia Plus, Baemin đứng trong Top 3 với khoảng 46% người chọn sử dụng.
Xu hướng cho thấy, ngoài cuộc chạy đua về chi phí khuyến mãi, các ứng dụng giao đồ ăn tiếp tục cạnh tranh về công nghệ, cho phép giao hàng nhanh hơn. Với dữ liệu lớn, họ có thể tối ưu hóa việc định tuyến và gửi đơn đặt hàng. Tại Việt Nam, cuộc chạy đua về tốc độ đang ở mục tiêu các đơn hàng thường được giao từ 20-30 phút. Mặt khác, 2021 cũng sẽ là cuộc chạy đua "thương mại" hoặc giao hàng theo yêu cầu các mặt hàng hàng ngày từ các nhà bán lẻ như cửa hàng tiện lợi.
Lợi thế của các "chuyên gia ẩm thực"
Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên giao hàng đồ ăn như Baemin sở dĩ có tốc độ mở rộng nhanh chóng nhờ tận dụng được lợi thế "chuyên ẩm thực", đòi hỏi sự tinh tế và cảm xúc từ người dùng. Chính lợi thế chuyên biệt này, cùng các chiến lược marketing hiệu quả, theo khảo sát của Asia Plus, Baemin dù xuất hiện tại Việt Nam từ giữa năm 2019 nhưng đã nhanh chóng bắt kịp đối thủ đứng thứ 2 về tỷ lệ người sử dụng (46%), thậm chí lấn át hơn khi có 16% người dùng app này nhiều nhất. Khảo sát cũng cho thấy Baemin là dịch vụ được người trẻ yêu thích nhất. Đồng thời, startup đến từ Hàn Quốc nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất từ các đối tác, thương hiệu F&B.
Trong cuộc chạy đua này, Delivery Hero sáp nhập Woowa Brothers để mở rộng sức mạnh tại thị trường châu Á. Woowa điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc Baedal Minjok, hay còn gọi là "Baemin", có hơn 10 triệu người dùng trung bình hằng tháng. "Chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỷ won vào việc thiết lập cơ sở hạ tầng CNTT của mình", một Giám đốc Điều hành của Woowa cho biết. Đây không phải là điều mà các đối thủ có thể dễ dàng bắt kịp. Nếu thỏa thuận được thông qua, Delivery Hero và Ban lãnh đạo Woowa sẽ thành lập một liên doanh để vận hành toàn bộ hoạt động kinh doanh ở châu Á của Tập đoàn. Sự mở rộng mạnh mẽ của Delivery Hero tại châu Á cũng có thể mang lại sự cạnh tranh gay gắt hơn khi các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số hàng đầu khác cũng đang làm như vậy.
Nhiều thông tin cho thấy hai đối thủ lớn nhất thị trường cũng có thể tiến đến khả năng sáp nhập để củng cố sức mạnh tại. Cả hai đều có mạng lưới rất rộng các tài xế gọi xe để giao thức ăn. Trả lời trên Nikkei Asia, ông Sabrina Asyarafi, nhà tư vấn quản lý tại YCP Solidiance, cho rằng, một chiến lược quan trọng đối với các nhà điều hành giao thức ăn là hợp tác với các nhà hàng và nhà bán lẻ. "Các nền tảng giao đồ ăn phải cung cấp một kế hoạch rõ ràng cho một lộ trình hợp tác bền vững, chẳng hạn như bằng cách đưa ra các ưu đãi khi đạt đến một cột mốc nhất định". Một chiến lược quan trọng khác là cá nhân hóa, theo đó, nền tảng giao đồ ăn có thể nỗ lực hơn nữa trong việc dự đoán thị trường dựa trên nhu cầu và tạo ra chiến lược dựa trên việc thay đổi nhanh chóng sở thích, xác định chính xác dựa trên khu vực địa lý... tần suất và danh mục mua hàng trước đó cũng như hành vi của người tiêu dùng.