Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thảm cảnh 2021: Karaoke đóng cửa phủ bụi vẫn mất 3 tỷ đồng/tháng

27/12/2021 14:12

Ngành karaoke tại TP.HCM lại tiếp tục kêu cứu sau 1 năm có thể gọi là "thảm cảnh". Mất tiền tỷ mặt bằng trong khi đủ khoản nợ chồng chất. Nguy cơ các doanh nghiệp ngành dịch vụ này bị phá sản, xóa sổ là rất cao.

Hệ thống karaoke Nnice vừa có đơn cầu cứu gửi UBND TP.HCM, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao xin sớm mở cửa hoạt động trở lại, giúp DN vượt qua khó khăn, người lao động có việc làm để ổn định cuộc sống.

Đơn vị đã hoạt động 24 năm tại TP.HCM cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 khiến lĩnh vực kinh doanh phải đóng cửa gần cả năm 2021, một số chi nhánh trong hệ thống lần lượt giải thể, người lao động mất việc, DN kiệt quệ vì thua lỗ kéo dài và gần như thất thu hoàn toàn.

Hiện, DN phải vay mượn để duy trì trả tiền thuê địa điểm, trợ cấp người lao động, trả nợ lãi vay ngân hàng. Nếu tình trạng này còn kéo dài chắc chắn sẽ nợ nần chồng chất, rơi vào cảnh cùng kiệt, phá sản.

Trong khi đó, đại diện chuỗi karaoke Icool - anh Nguyễn Quế Sơn - thông tin, 18 chi nhánh của hệ thống đang đóng cửa, phủ bụi và trả chi phí thuê mặt bằng 3 tỷ đồng/tháng đều như vắt chanh chưa tính lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, tiền lương cho nhân viên trực ở các chi nhánh là khoảng 200 triệu đồng/tháng.


Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại TP.HCM đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, cầu cứu xin mở lại (ảnh: Trần Chung)

Liên quan đến khủng hoảng tài chính, riêng trong ngày 17/11, DN đã mất trắng 1,5 tỷ đồng tiền nhập hàng hóa sau khi TP.HCM cho phép mở rồi lại đóng dịch vụ này chỉ trong 2 ngày. Icool là hệ thống karaoke từng có đơn đề nghị TP.HCM cho mở lại từ ngày 31/10.

“Chúng tôi không rõ là cần thêm quy định gì nữa để được hoạt động. Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các điều kiện đặt ra. Chỉ mong thành phố xem xét, sớm cho mở lại”, anh Sơn nói.

Anh Lê Hoàng Việt - đại diện karaoke Nnice - cho rằng, mô hình karaoke gia đình đón khách là những nhóm sinh hoạt gia đình, bạn bè cơ quan, thân quen cùng sinh hoạt trong không gian riêng biệt, nên khả năng lây nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, các phòng hát và thiết bị hát cũng luôn đảm bảo an toàn, micro được thay bọc vải, các thiết bị được sát khuẩn thường xuyên bởi dung dịch cồn và tia cực tím...Tất cả khách đến hát đều phải khai báo y tế và đã tiêm 2 mũi, nhân viên tiêm đầy đù, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Từ những lý do trên, DN này cầu cứu chính quyền TP.HCM và các cơ quan liên quan cho hoạt động trở lại. Đến hôm nay, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP đã được phép trừ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar.

Chiều 18/11, trả lời câu hỏi của PV về lý do TP.HCM cho mở cửa các hoạt động kinh doanh như karaoke, spa, massage, vũ trường,... vào ngày 16/11 rồi lại quyết định đóng cửa, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho rằng, quan điểm của TP luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và DN. Dẫu vậy, căn cứ tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên UBND TP mới quyết định tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên.

Ông Hải dẫn chứng các con số về số ca nhập viện, số ca bệnh trở nặng và số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng tăng và đây là các thông số đáng lo ngại.

Khi TP cho phép mở lại ngày 16/11, có đơn vị đã hoạt động như karaoke lại phải đóng cửa luôn. Đại diện BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM mong người dân và DN chia sẻ, đồng cảm với các quyết định hết sức khó khăn từ phía chính quyền TP.HCM nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết và cũng để bảo vệ thành quả chống dịch thời gian qua của toàn TP.
 

Trần Chung