Vùng nguyên liệu mía organic của TTC Sugar tại tỉnh Attapeu, CHDCND Lào. Ảnh: SBT
Theo đó, quý I niên độ 2020 – 2021 (quí III/2020) doanh thu công ty đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó 97,7% cơ cấu doanh thu từ sản phẩm chính là đường (3.577 tỷ đồng), phần còn lại đến từ hoạt động bán mật đường, bán điện, phân bón và doanh thu khác.
Giá vốn hàng bán tăng nhẹ 6% kéo lợi nhuận gộp của công ty tăng 184% so với cùng kỳ lên 465 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh 68% còn 72,5 tỷ đồng do không còn khoản lãi lớn từ thanh lý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của TTC Sugar vẫn ghi nhận tăng trưởng gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt 138 tỉ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý I niên độ 2020 – 2021 của doanh nghiệp là 134 tỷ đồng, gấp ba lần quý I năm ngoái. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 99 tỷ đồng, tăng 161%, EPS đạt 711 đồng.
TTC Sugar dự kiến đặt mục tiêu doanh thu 14.358 tỷ đồng trong niên độ 2020 – 2021, tăng trưởng 11% so với niên độ 2019 – 2020. Lợi nhuận trước thuế ước tính tăng 29% từ 512 tỷ đồng lên 662 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ thực hiện mục tiêu kinh doanh của TTC Sugar sau quý đầu tiên lần lượt là 25% cho doanh thu và 20% cho lợi nhuận.
Tính tới thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản TTC Sugar đạt 18.403 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thời điểm đầu niên độ, trong đó chủ yếu đến từ việc tăng các khoản thuộc đầu tư ngắn hạn (kinh doanh chứng khoán) và đầu tư dài hạn (đầu tư vào công ty con, công ty liên kết)...
Trên thực tế, ngoài mảng kinh doanh chính là mía đường, TTC Sugar cũng đã thực hiện tái cơ cấu danh mục, qua đó đầu tư vào các đơn vị, ngành nghề tiềm năng và phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.
Trong quý này, hàng tồn kho giảm 10% tương đương 250 tỷ đồng và đang duy trì ở mức 2.279 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ vay/tổng tài sản không thay đổi nhiều so với đầu niên độ, đạt lần lượt 1,12 lần và 0,47 lần. Ngoài ra, hệ số thanh toán hiện hành tăng 2% so với đầu niên độ, đạt 1,2 lần và hệ số thanh toán nhanh tăng 6%, đạt 0,9 lần.